Phòng không Nga đối phó với tên lửa đạn đạo ATACMS của Ukraine thế nào?

Quân sựThứ Năm, 19/10/2023 12:25:00 +07:00
(VTC News) -

Các chuyên gia quân sự đánh giá, việc Ukraine đưa tên lửa đạn đạo ATACMS vào tham chiến sẽ khiến xung đột leo thang nhưng sẽ không tạo ra quá nhiều lợi thế.

Theo Sputnik, sau khi Mỹ xác nhận chuyển giao Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukraine, Kiev đã sử dụng vũ khí này tấn công vào nhiều mục tiêu quân sự của Nga ở vùng Berdyansk, giáp biển Azov vào ngày 17/10.

ATACMS được triển khai từ các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trước đây.

Trước đó, Mỹ đã lưỡng lự trong việc cung cấp ATACMS có tầm bắn ước tính gần 300km cho Ukraine vì lo ngại Kiev sẽ sử dụng chúng để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, khiến xung đột tiếp tục leo thang.

Bình luận về việc chuyển giao tên lửa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi đây là “một sai lầm” và có thể “kéo dài nỗi đau” cho Ukraine.

Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công căn cứ Nga ở Berdyansk. (Nguồn: Reuters)

Kiev sẽ sử dụng ATACMS như thế nào?

Trả lời phỏng vấn Sputnik về việc Ukraine sử dụng ATACMS tấn công các căn cứ của Nga, chuyên gia quân sự Dmitry Kornev phân tích, quân đội Nga hiểu rõ Ukraine sẽ sử dụng những tên lửa mới như thế nào và họ sẽ tấn công ở đâu.

Cũng theo ông Kornev, không chỉ đánh vào các căn cứ của Nga ở hậu cứ, Kiev còn có thể sử dụng ATACMS hỗ trợ cho các cuộc phản công ở miền đông nam Ukraine.

“Trong trường hợp của Berdyansk, căn cứ này nằm ở phía nam vùng Zaporizhzhia và đây là luôn là mặt trận Ukraine tổ chức nhiều đợt phản công nhất kể từ tháng 6. Kiev đang chạy đua với mùa đông và họ phải đạt được mục tiêu nào đó trước khi thời tiết lạnh hơn, do đó các cuộc phản công vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới”, ông Kornev phân tích.

Theo tờ New York Times hôm thứ Tư dẫn lời hai quan chức phương Tây giấu tên cho biết, Mỹ đã cung cấp khoảng 20 tên lửa ATACMS cho Ukraine, tuy nhiên không nói rõ chủng loại tên lửa.

Dù vậy từ những mảnh tên lửa còn sót lại sau vụ tấn công Berdyansk, quân đội Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine phiên bản lỗi thời nhất của ATACMS M39.

Chuyên gia Kornev cho biết M39 được sản xuất từ những năm 1990 có tầm bắn khoảng 160km và có thể mang theo đạn chùm. Đây không phải là tên lửa ATACMS hiện đại nhất của Mỹ và có thể Washington lo ngại việc Ukraine sử dụng vũ khí mới tấn công Crimea nên đưa ra một phương án an toàn nhất.

“Rất có thể Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp những tên lửa này tùy thuộc vào việc Ukraine có sử dụng lô tên lửa đầu tiên này một cách hiệu quả và không mang lại rủi ro”, ông Kornev dự báo.

Tên lửa ATACMS được tích hợp với hệ thống pháo phản lực HIMARS. (Ảnh: Reuters)

Tên lửa ATACMS được tích hợp với hệ thống pháo phản lực HIMARS. (Ảnh: Reuters)

Tại sao Mỹ chuyển cho Ukraine tên lửa cũ?

Theo ông Kornev, tên lửa ATACMS có nhiều phiên bản khác nhau và loại tên lửa đang được Ukraine sử dụng có tầm bắn khoảng 165km. Ở các biến thể hiện đại hơn chúng có tầm tác chiến lên đến 250, 270 và 300km cùng ít nhất 5 phiên bản mang các loại đầu đạn.

“Việc Mỹ phát triển nhiều biến thể ATACMS là phục vụ cho từng hình thức tác chiến đi kèm với đó là công nghệ liên quan. Rõ ràng là Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine những tên lửa hiện đại nhất vì sợ mất đi vị thế dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực này”, Kornev nhận định.

Ở một khả năng khác việc Mỹ quyết định bắt đầu với những tên lửa cũ và xem Lực lượng vũ trang Ukraine có thể xử lý chúng như thế nào để đưa ra những thay đổi trong viện trợ. Điều này đồng nghĩa với việc rất có thể Washington sẽ chuyển giao cho Ukraine các tên lửa ATACMS hiện đại hơn trong tương lai.

Trước mắt việc viện trợ tên lửa cũ cho Ukraine sẽ giúp Mỹ giải được cùng lúc hai bài toán đó là hỗ trợ quân sự và loại bỏ các tên lửa đã hết niên hạn sử dụng.

Trước năm 2019, các tên lửa chiến thuật trên mặt đất của Mỹ bị giới hạn ở tầm bắn dưới 500km theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Sau khi Mỹ đơn phương hủy bỏ hiệp ước đó vào năm 2019, nước này đã thông báo rằng các phiên bản ATACMS thế hệ mới sẽ có tầm bắn vượt qua 499km.

Những phần tên lửa ATACMS mang theo đạn chùm tấn công căn cứ Nga ở Berdyansk còn sót lại.

Những phần tên lửa ATACMS mang theo đạn chùm tấn công căn cứ Nga ở Berdyansk còn sót lại.

Mối đe dọa từ tên lửa ATACMS

Chuyên gia Kornev cho rằng ATACMS đặt ra mối đe dọa mới đối với các đơn vị không quân Nga ở gần chiến tuyến và họ phải học cách thích nghi với điều kiện tác chiến mới.

“Tôi cho rằng việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS tấn công vào các sân bay dã chiến dành cho trực thăng Nga đã cho thấy rõ mục tiêu của họ. Tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm hoàn toàn có thể vô hiệu hóa cùng lúc nhiều máy bay hay kho bãi hỗ trợ hậu cần”, ông Kornev nói.

Những đòn tấn công như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho các đơn vị không quân Nga và cách duy nhất là phải di chuyển căn cứ ra xa khỏi vùng chiến sự. Như vậy khả năng hỗ trợ từ trên không cho bộ binh Nga sẽ giảm hoặc bị hạn chế so với trước đây.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự này lưu ý rằng “thứ vũ khí được xem là thần kỳ không tồn tại” và các lực lượng Ukraine được trang bị ATACMS không thể tự mình thay đổi cục diện cuộc xung đột.

“Bí quyết thành công của các bên nằm ở việc sử dụng tổng hợp các lực lượng thông qua chiến thuật, chiến lược và nguồn nhân lực. Những yếu tố này mới đảm bảo cho một thành công quân sự”, ông Kornev phân tích.

“Có nghĩa là sự xuất hiện của các tên lửa ATACMS sẽ không mang lại chiến thắng vô điều kiện cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Nhưng nếu, ngoài tên lửa ATACMS, tất cả các yếu tố được liệt kê khác đều được đáp ứng Kiev sẽ là bên có lợi thế. Nhưng cho đến nay Ukraine vẫn chưa làm được điều này dù họ đã nhiều lần thay đổi chiến lược”.

Phòng không Nga có thể đối phó với ATACMS nhưng họ cần thời gian để nắm được chiến thuật của loại tên lửa này. (Ảnh: TASS)

Phòng không Nga có thể đối phó với ATACMS nhưng họ cần thời gian để nắm được chiến thuật của loại tên lửa này. (Ảnh: TASS)

Phòng không Nga đối phó ATACMS như thế nào?

Chuyên gia Kornev lưu ý rằng ATACMS nhìn chung giống với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga. Theo đó, các hệ thống phòng không của Nga hiện tại đều có khả năng bắn hạ tên lửa ATACMS.

Trong số các hệ thống vũ khí của Nga hiện tại thì hệ thống phòng không Buk có thể đánh chặn dễ dàng ATACMS trong hành trình bay của tên lửa. Ngoài ra có Tor và Pantsir đánh chặn ở pha cuối của ATACMS.

Ở tầm xa Nga có các hệ thống S-300 và S-400 có thể đánh chặn ATACMS.

Tuy nhiên, không có hệ thống phòng không nào là kín kẽ tuyệt đối và luôn có những khoảng trống về mặt lực lượng. Bên tấn công có thể khai thác điều này.

Kornev lấy ví dụ về cuộc tấn công Berdyansk, Ukraine sử dụng cùng lúc nhiều tên lửa ATACMS để tập kích sân bay, bên cạnh đó là một số loại vũ khí khác. Về cơ bản hệ thống phòng không ở Berdyansk đã bị bão hòa trước đòn tấn công này.

Ở một mặt khác ATACMS là một đối tượng tác chiến mới của phòng không Nga và họ cần có thời gian để “làm quen” với chiến thuật của nó. Về mặt kỹ thuật phòng không Nga có đủ khả năng đánh chặn mục tiêu như ATACMS nhưng trước hết họ phải hiểu nó hoạt động như thế nào.

Những bài học trong giai đoạn đầu xung đột cho thấy phòng không Nga phải mất một chút thời gian để đưa ra giải pháp đối phó với các loại vũ khí tiên tiến của phương Tây. Thực tế sau đó đã chứng minh họ đã làm tốt việc đánh chặn các loại vũ khí này.

Nói về điểm yếu của ATACMS, chuyên gia Kornev cho rằng đây là vũ khí tốt nhưng Ukraine sẽ không thể sử dụng hết khả năng tấn công của ATACMS bởi yếu tố chính trị. Đó là một lợi thế dành cho Nga

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn