Phó Chủ tịch Quốc hội: Cải cách tiền lương phải gắn với xử lý cán bộ trì trệ

Chính trịThứ Hai, 16/10/2023 12:44:19 +07:00
(VTC News) -

Điều chỉnh tiền lương sẽ gắn nâng cao trách nhiệm công chức, bên cạnh đó cần xử lý cán bộ làm việc cầm chừng, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu năng lực.

Quan điểm này được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ khi phát biểu tại phiên họp thứ thứ 27 (sáng 16/10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024.

Liên quan đến chính sách cải cách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: quochoi.vn).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: quochoi.vn).

"Chúng ta đã điều chỉnh nhiều lần rồi, nhưng lần điều chỉnh này sẽ mang tính chất cải cách. Không chỉ là điều chỉnh lương, không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập, mà theo Nghị quyết 27 cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức", ông Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 2 nội dung điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm kỷ luật, kỷ cương công vụ nên cần rà soát sắp xếp cán bộ, công chức để bảo đảm yêu cầu đề ra.

"Vì vậy cần rà soát, sắp xếp lại cán bộ công chức, những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh phải có biện pháp xử lý. Thậm chí người yếu năng lực cần đưa ra khỏi bộ máy", ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Cũng nêu ý kiến liên quan đến chính sách cải cách tiền lương tại phiên họp, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cho rằng thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình cần đảm bảo thu nhập phù hợp cho cán bộ cơ sở giữa các ngành lĩnh vực, tương ứng với trách nhiệm.

"Điều này tránh có nơi thu nhập cao, nơi thu nhập thấp nhưng nhiệm vụ lại thực hiện như nhau", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nêu rõ "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành".

Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm. Mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc. Trường hợp người mới được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Trường hợp người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.

Như vậy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong đó, Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết số 27 (dự kiến thực hiện từ 1/7/2024).

Cụ thể gồm: xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập. 

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn