Phí đào tạo ở Việt Nam thấp hơn Mỹ 61 lần, đề xuất cấp học bổng tiến sĩ

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 24/10/2023 10:34:18 +07:00
(VTC News) -

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị sớm có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí để thu hút người học bậc tiến sĩ.

Trong báo cáo kết quả giám sát công tác đào tạo tiến sĩ gửi các đại biểu mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu lên thực trạng đầu tư cho đào tạo tiến sĩ hiện nay.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nhận định việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng còn thấp. Hiện, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học của Việt Nam ở mức 0,27% GDP - thấp hơn nhiều so với Thái Lan (0,64%), Trung Quốc (0,87%), Singapore và Hàn Quốc (1%), Malaysia (1,13%).

Nhiều năm tuyển không đủ chỉ tiêu, đề xuất cấp học bổng cho người học tiến sĩ.

Nhiều năm tuyển không đủ chỉ tiêu, đề xuất cấp học bổng cho người học tiến sĩ.

Chi phí đào tạo một tiến sĩ tại các trường đại học công lập trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm (trừ lĩnh vực khoa học sức khỏe khoảng gần 32 triệu đồng). Mức này cũng thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Như tại Anh, chi phí này khoảng 15-16.000 bảng mỗi năm (450 triệu đồng), Australia khoảng 22 - 40.000 AUD (340-620 triệu đồng), Singapore khoảng 20-25.000 SGD (357-447 triệu đồng), Mỹ khoảng 28-40.000 USD (688-983 triệu đồng).

Từ những thực tế trên, Ủy ban Văn hóa Giáo dục cũng cho rằng cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh chưa được quan tâm đúng mức.

Ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, nghiên cứu sinh không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng với mức đủ bảo đảm chi phí sinh hoạt hàng tháng và kinh phí hỗ trợ hoàn thiện luận án, thậm chí được nhận lương khi trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn.

Nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo. Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ, thu hút người học tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ, vốn rất cần thiết nhưng kén người học.

Trong khi đó, cơ sở đào tạo cũng gặp áp lực cân đối thu chi theo cơ chế tự chủ. Những nguyên nhân này khiến việc đào tạo tiến sĩ chưa đạt được mục tiêu cả về quy mô và chất lượng.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục kiến nghị cần có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi.

Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ học bổng, kinh phí nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu, học tập xuất sắc, những đề tài, luận án có tính ứng dụng cao.

Cơ chế tài chính, phương thức cấp phát kinh phí cho đào tạo và nghiên cứu cần được đổi sang hình thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về định hướng chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết làm rõ lộ trình nâng tỷ trọng ngân sách chi cho giáo dục đại học tính trên GDP đạt mức trung bình của các nước trong khu vực; tăng định mức đầu tư cho đào tạo tiến sĩ nói riêng và đào tạo sau đại học nói chung.

Với Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo tiến sĩ, hỗ trợ học bổng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh, gắn việc giao đề tài, nhiệm vụ khoa học với đào tạo tiến sĩ.

Về phía Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu, đề xuất cấp học bổng đào tạo tiến sĩ trong nước, trước hết ưu tiên các ngành cơ bản, mũi nhọn.

Theo đánh giá từ Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bậc tiến sĩ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, trung bình những năm gần đây chỉ đạt khoảng trên 32%. Cụ thể, năm học 2019-2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ là 5.111; thực tuyển là 1.274 người (tỉ lệ 24,93%).

Năm học 2020-2021, chỉ tiêu là 5.056; thực tuyển 1.735 (34,32%).

Năm học 2021-2022, con số này lần lượt là 5.143 và 1.661 nghiên cứu sinh (32,3%) còn năm học 2022-2023, chỉ tiêu xác định là 5.795 trong khi số lượng thực tuyển chỉ đạt 41,86% với 2.426 người.

"Việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu dẫn tới nhiều nơi không có sự cạnh tranh, nảy sinh sự dễ dãi trong tuyển chọn đầu vào, đặc biệt là về năng lực nghiên cứu chuyên môn. Cơ cấu ngành nghề trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ có sự mất cân đối", Uỷ ban đánh giá.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn