Đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ: Các trường nghệ thuật xin cơ chế

Diễn đànThứ Bảy, 11/03/2023 12:18:00 +07:00
(VTC News) -

Số lượng giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thấp khiến nhiều trường đại học ngành văn hóa nghệ thuật khó khăn trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành mới.

Đại diện nhiều trường ngành văn hóa nghệ thuật lên tiếng về đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây.

Khó tuyển sinh

PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, với đặc thù là cơ sở đào tạo nghệ thuật nên số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới hàng năm không nhiều. Hơn nữa, các nghệ sĩ, giảng viên trình độ thạc sĩ học tiến sĩ, tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học nâng cao, chuyên sâu không dễ dàng. Do vậy, nhà trường rất khó để kiện toàn lượng giảng viên cơ hữu đáp ứng theo tiêu chí trong quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT.

Đó là lý do trường đề xuất tính nghệ sĩ nhân dân tương đương trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Việc này sẽ chỉ áp dụng cho chỉ tiêu tuyển sinh và khi mở mã ngành đối với các ngành đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Đề xuất này "không áp dụng cho tất cả nghệ sĩ nhân dân như mọi người lầm tưởng" và không hoàn toàn thay thế tiến sĩ trong công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ: Các trường nghệ thuật xin cơ chế - 1

Ông Nguyễn Đình Thi (bên phải) trong lễ trao bằng tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

Ông Thi cho biết, việc mở ngành đào tạo đại học, xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm thì liên quan tới cả đội ngũ giảng viên cơ hữu, "nếu không đủ số thạc sĩ, tiến sĩ cơ hữu sẽ khó được xác định chỉ tiêu tuyển".

"Ở một số cơ sở đào tạo nghệ thuật, việc các nghệ sĩ nhân dân tham gia quá trình đào tạo là cần thiết. Bộ GD&ĐT nên ghi nhận cả sự tham gia của nghệ sĩ nhân dân, vì đây là những người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp; họ dạy cho sinh viên có kỹ năng nghề là rất tốt", ông Thi nói thêm.

Khó khăn của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng là khó khăn chung của các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong cả nước. TS Đỗ Xuân Phúc, Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) cho biết, hiện một số quy định của nhà nước đang làm khó cho các trường văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt là điều kiện số lượng thạc sĩ, tiến sĩ khi tuyển sinh đại học, sau đại học, mở ngành mới.

"Trong nước không có cơ sở nào đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên môn về nghệ thuật, nhưng tại sao trong các văn bản vẫn yêu cầu các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật phải có trình độ tiến sĩ để tham gia đào tạo, quản lý hay muốn mở ngành mới tuyển sinh? Rất mong sớm có sự cân nhắc, điều chỉnh bất cập để không thiệt thòi cho các trường văn hóa nghệ thuật”, ông Phúc nói.

Đề xuất cơ chế đặc thù

GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, lĩnh vực nghệ thuật cần có chính sách đặc thù. Những người đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú quan trọng ở chuyên môn nghề nghiệp chứ không ở nghiên cứu khoa học.

Đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ: Các trường nghệ thuật xin cơ chế - 2

Số lượng giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong các trường nghệ thuật thấp. (Ảnh minh hoạ: T.N)

"Thực tế, trong việc xét chức danh phó giáo sư, giáo sư đã có tính đến đặc thù như nghệ sĩ nhân dân, có giải thưởng sẽ được quy đổi ra thay cho tác phẩm nghiên cứu chẳng hạn, cái đó đã cập nhật. Vậy nên không lý gì mà một số trường khối ngành nghệ thuật không được đặc cách, thông qua quy đổi như các trường nghệ thuật đề xuất có thể là một cách làm", bà nói. 

Về lâu về dài, bà Loan cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiện toàn và nâng cao tiêu chuẩn đào tạo trình độ tiến sĩ. Thậm chí, nếu không khuyến khích thì ngay đầu vào ngành nghệ thuật cũng không có người theo học chưa nói đến nghiên cứu sinh.

Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, Bộ đã tính đến yếu tố đặc thù của các trường nghệ thuật (Thông tư 02 và 03 năm 2022).

Cụ thể, với những ngành đào tạo đại học hay mở ngành tuyển sinh mới thuộc lĩnh vực nghệ thuật chỉ cần đảm bảo có 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp, thay vì 5 tiến sĩ như các ngành nói chung. Đồng thời Bộ đã cho phép giảng viên thỉnh giảng các ngành nghệ thuật được đảm nhận tối đa 40% khối lượng đào tạo; trong khi các lĩnh vực không phải đặc thù con số này là 30%.

Bộ cũng cho phép các trường khi mở ngành đào tạo mới được tính quy đổi giảng viên có danh hiệu là nghệ sĩ nhân dân, đồng thời có bằng thạc sĩ có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ. Hoặc giảng viên có bằng tiến sĩ có thể thay giảng viên chức danh phó giáo sư. "Như vậy, so với các ngành khác, điều kiện mở ngành, tuyển sinh mới đã được hạ đi 1 bậc", ông nói.

Vụ phó cũng nhấn mạnh thêm, việc các trường đề xuất tính nghệ sĩ nhân dân tương đương thạc sĩ, tiến sĩ là chưa có quy định và cũng khó khả thi. Việc này sẽ được Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu và xem xét. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng không đồng tình với đề xuất trên.

Theo ông Sơn, học vị tiến sĩ, thạc sĩ với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là hai loại tiêu chuẩn khác nhau không áp dụng thay cho nhau được. Đào tạo tiến sĩ là đào tạo lý thuyết, cần phải biết áp dụng lý thuyết, sử dụng phương pháp nghiên cứu. Làm luận án là thực hiện một công trình khoa học, ở đó việc áp dụng lý thuyết, sử dụng phương pháp khoa học để phân tích một vấn đề thực tiễn. Trong khi đó, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thiên về thực hành.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn