Nhiều xã miền núi không muốn đạt chuẩn nông thôn mới vì sợ mất hỗ trợ

Chính trịThứ Hai, 30/10/2023 09:55:00 +07:00
(VTC News) -

Hiện nhiều xã miền núi, vùng khó khăn không nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vì sợ mất hỗ trợ bảo hiểm xã hội, gạo cho học sinh và chế độ cán bộ, công chức.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, sáng 30/10, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia với nhiều đổi mới về cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo sáng 30/10.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo sáng 30/10.

Kết quả nông thôn mới chưa đồng đều

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm (Phó trưởng Đoàn thường trực), Đoàn giám sát đã giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến 30/6, cả nước có 6.022 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các vùng miền có sự chênh lệch lớn, thấp nhất là miền núi phía Bắc và vùng Tây nguyên.

Nhiều xã miền núi có hiện tượng không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 vì nếu đạt chuẩn, họ không còn là xã đặc biệt khó khăn, không được hưởng các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức...

Theo Quyết định 861/2021 của Thủ tướng, cả nước có hơn 3.400 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, gần 1.700 xã khu vực I (bước đầu phát triển), 210 xã khu vực II (còn khó khăn) và hơn 1.500 xã khu vực III (đặc biệt khó khăn).

Các xã khu vực II, III nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và không còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại khu vực đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu.

Ngoài ra, họ được thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục. Học sinh tại khu vực này cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo.

Đoàn giám sát đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại. Cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của các chương trình để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo chưa thực sự hiệu quả.

Chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới và duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội. Chất lượng công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Các đại biểu lắng nghe báo cáo sáng 30/10.

Các đại biểu lắng nghe báo cáo sáng 30/10.

Có tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho rằng khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu của chương trình… là rất khó khăn.

Về nguyên nhân, Đoàn giám sát chỉ ra yếu tố khách quan khi đây là lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện các nguyên tắc đổi mới của Quốc hội (thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phân cấp cho địa phương và nhiều yêu cầu khác về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách…), vì thế, không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, Đoàn giám sát cho biết còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết bất cập khi thực hiện chính sách cho xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các chính sách hỗ trợ cho xã diện đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, các nhóm yếu thế ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số phải sửa đổi, bổ sung.

"Cần có các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động", Đoàn giám sát đề xuất.

Quốc hội sẽ dành cả ngày 30/10 để thảo luận báo cáo giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết về ba chương trình mục tiêu quốc gia nói trên.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn