Người dân khu vực quy hoạch 'treo' đi không được, ở cũng không xong

Chính trịThứ Tư, 21/06/2023 17:00:00 +07:00

Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai, cụ thể là bao lâu, quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch.

Sửa đổi Luật Đất đai cần khắc phục tình trạng quy hoạch treo

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 21/6, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu ý kiến về thực trạng quy hoạch đã được lập, phê duyệt, song những tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện. Đáng nói là việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 - 10 năm mà còn lên tới 20 năm và có khi còn lâu hơn nữa. Người dân vẫn thường gọi trường hợp này là quy hoạch “treo”, quy hoạch “treo” không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Người dân khu vực quy hoạch 'treo' đi không được, ở cũng không xong - 1

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum.

“Những cư dân trong khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm khổ sở đi không được, ở thì cũng không xong. Quyền lợi của họ không được coi trọng đúng mức. Sửa đổi Luật Đất đai cần có quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này. Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai, cụ thể là bao lâu, quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch. Việc bỏ tầm nhìn quy hoạch trong dự thảo luật là đáp ứng yêu cầu này”, đại biểu Tô Văn Tám kiến nghị.

Cũng theo đại biểu Tô Văn Tám, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, cần chỉnh lý, bổ sung thêm tại khoản 3 Điều 78 theo hướng: khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và thực hiện các quyền của quyền sử dụng đất quy định tại Điều 38 của luật này và pháp luật liên quan. Đại biểu cho biết, “pháp luật liên quan” rất rộng, người dân khó tiếp cận, vì vậy cần quy định vào dự thảo luật một điều về quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, bổ sung vào khoản 3 điều 76 nội dung: hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được quyết liệt mà không thực hiện dự án thì hủy bỏ quy hoạch.

Về vấn đề thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị cần xác định thu hồi đất hoàn toàn vì mục đích quốc gia công cộng và thu hồi đất cho mục đích dịch vụ thương mại đơn thuần. Trường hợp vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước thu hồi và bồi thường hỗ trợ theo các quy tắc tại Điều 90 của dự thảo luật; đồng thời có chính sách khuyến khích người dân tham gia.

Trường hợp thu hồi đất vì mục đích thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận cần quy định theo hướng khi định giá đất, người có đất thu hồi là một bên trong quy trình định giá. Trường hợp không thỏa thuận được, các bên có thể yêu cầu cơ quan định giá độc lập; hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

Người dân khu vực quy hoạch 'treo' đi không được, ở cũng không xong - 2

Đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn Hà Nam.

Đơn giản hóa nội dung của kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện

Góp ý về nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đề nghị giảm bớt thủ tục hành chính và thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương không quy định nội dung, phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với nhiệm vụ lập quy hoạch, sử dụng đất cấp tỉnh.

Đồng thời, đại biểu đề nghị sửa lại điểm d khoản 2 Điều 63 của dự thảo như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng đất cấp tỉnh.

“Về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện tại Điều 67, tôi đề nghị cần đơn giản hóa các tiêu chí và nội dung của kế hoạch, không nên quá chi tiết, cụ thể vì sẽ gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Hiện nay, việc lập kế hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào danh mục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đang là vấn đề gặp rất nhiều vướng mắc của các địa phương”, đại biểu Trần Thị Hiền cho hay.

Người dân khu vực quy hoạch 'treo' đi không được, ở cũng không xong - 3

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa.

Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khoản 1 Điều 60 của dự thảo luật quy định, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

“Quy định nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời như các quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải xem xét lại, bởi các quy hoạch được lập theo quy định trong Luật Quy hoạch được lập lần đầu, tích hợp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không thể thực hiện đúng theo trình tự, nên phải lập đồng thời”, đại biểu Mai Văn Hải nêu ý kiến.

Đối với quy hoạch sử dụng đất, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 1987 đã thực hiện tốt theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ và phù hợp với quy hoạch cấp trên, hơn nữa, quy hoạch sử dụng đất mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Đại biểu đề nghị với quy hoạch sử dụng đất, nên thực hiện nguyên tắc từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sau đó mới lập đến cấp tỉnh, cấp huyện.

Nhóm PV(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn