Máy bay không người lái 'sát thủ' đã đến Nga thế nào?

Tư liệuThứ Hai, 19/12/2022 16:35:57 +07:00
(VTC News) -

Hàng trăm máy bay không người lái Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine có thể đã được cung cấp nhờ một chuỗi cung ứng linh hoạt, vượt qua các lệnh trừng phạt.

Theo một cuộc điều tra của Reuters, hàng trăm máy bay không người lái Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine có thể đã được cung cấp nhờ một chuỗi cung ứng linh hoạt, vượt qua các lệnh trừng phạt.

Máy bay không người lái 'sát thủ' đã đến Nga thế nào? - 1

UAV Orlan 10. (Ảnh: Reuters)

UAV "Đại bàng biển" Orlan 10 – loại vũ khí được mệnh danh là “sát thủ”, công nghệ tương đối thấp và rẻ tiền, được cho là đã giúp Nga bắn khoảng 20.000 đạn pháo vào các vị trí tại Ukraine trong năm 2022, gây nên thiệt hại lớn cho lực lượng này.

Theo cuộc điều tra của Reuters và iStories, phối hợp với Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia - một tổ chức tư vấn quốc phòng ở London, Anh - có một “dây chuyền hậu cần toàn cầu” cung cấp thiết bị này từ các công ty công nghệ Mỹ đi đến tận Trung tâm Công nghệ Đặc biệt ở thành phố St. Petersburg, Nga. Các đánh giá được đưa ra dựa trên quá trình phân tích hồ sơ hải quan và hồ sơ ngân hàng của Nga.

Trung tâm Công nghệ Đặc biệt là công ty từng sản xuất nhiều thiết bị giám sát cho chính phủ Nga và hiện tập trung vào máy bay không người lái quân đội. Công ty lần đầu tiên bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt sau khi Tổng thống Barack Obama cho rằng tổ chức này làm việc với tình báo Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Moskva phủ nhận các cáo buộc can thiệp bầu cử.

Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực vào năm 2017. Theo đó, công ty và công dân Mỹ bị cấm cung cấp bất kỳ thứ gì có thể được đưa đến Trung tâm Công nghệ Đặc biệt. Vào tháng 3/2022, chính phủ Mỹ tiếp tục thắt chặt các biện pháp hạn chế, chặn tất cả hoạt động bán sản phẩm Mỹ cho các quân đội nói chung, và chặn việc bán cho Nga các mặt hàng công nghệ cao như vi mạch, thiết bị liên lạc và điều hướng.

Trung tâm Công nghệ Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ không bình luận về thông tin của Reuters. Nhưng một nhà khoa học của trung tâm cho biết các khách hàng đang có “nhu cầu cao” với máy bay không người lái của họ.

Máy bay không người lái 'sát thủ' đã đến Nga thế nào? - 2

Bảng mạch được cho là lấy được từ máy bay không người lái Orlan 10 tại Ukraine, với các phần linh kiện sản xuất tại Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo cuộc điều tra, trong số các nhà cung cấp quan trọng nhất cho chương trình máy bay không người lái Nga là một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) - Asia Pacific Links. Nhà cung cấp này được cho là đã giao cho Nga số linh kiện thiết bị trị giá hàng triệu USD, nhiều trong số đó là vi mạch từ các nhà sản xuất Mỹ.

Chủ sở hữu của Asia Pacific là Anton Trofimov, một người Nga xa xứ, tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc và có các công việc kinh doanh ở Trung Quốc cũng như Canada. Văn phòng tại Hong Kong của Asia Pacific Links nằm trong một tòa nhà văn phòng tồi tàn và chật hẹp, bên ngoài một con hẻm nhỏ và chợ dành cho người đi bộ ở khu thương mại.

Theo Reuters, các hồ sơ hải quan cho thấy Asia Pacific Links đã xuất khẩu hàng hóa đến Nga thông qua SMT iLogic - nhà nhập khẩu ở St. Petersburg có cùng địa chỉ và nhiều mối liên hệ khác với Trung tâm Công nghệ Đặc biệt.

Trong 7 tháng từ ngày 1/3 đến ngày 30/9, giai đoạn diễn ra xung đột quân sự tại Ukraine, hoạt động kinh doanh của Asia Pacific tăng mạnh. Cụ thể, đơn vị này đã xuất khẩu số bộ phận trị giá khoảng 5,2 triệu USD, so với khoảng 2,3 triệu USD cùng kỳ năm 2021, trở thành nhà cung cấp lớn nhất của iLogic. Trong số các bộ phận có 1,8 triệu USD chip do Analog Devices sản xuất, 641.000 USD do Texas Instruments và 238.000 USD do Xilinx sản xuất, đều là các công ty Mỹ.

Khi được hỏi về các chuyến hàng đến Nga trong những tháng gần đây, Analog Devices không bình luận. Texas Instruments và AMD - chủ sở hữu của Xilinx, cho biết công ty họ không trực tiếp vận chuyển hoặc phê duyệt các chuyến hàng đến Nga và đang tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

AMD nói thêm rằng họ cũng yêu cầu các nhà phân phối của mình theo dõi việc bán sản phẩm để phòng khả năng chúng được đưa vào Nga hoặc các khu vực hạn chế. "SMT iLogic và Asia Pacific Links không phải là nhà phân phối được ủy quyền của AMD", công ty này nói.

Ngoài ra, IK Tech – công ty tại Florida, Mỹ được cho là một nhà cung cấp khác cho chương trình máy bay không người lái của Nga.

Chủ công ty là Igor Kazhdan, công dân Nga gốc Mỹ 41 tuổi. Theo Reuters, IK Tech đã bán khoảng 2,2 triệu USD thiết bị điện tử cho Nga từ năm 2018 đến 2021, hơn 90% trong số đó được bán cho iLogic.

Theo các hồ sơ, IK Tech được cho là đã bán cho iLogic khoảng 1.000 bảng mạch do Mỹ sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2021, vào thời điểm Mỹ cấm cung cấp bất kỳ công nghệ nào như vậy cho Trung tâm Công nghệ Đặc biệt, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Phương Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn