Không để thực phẩm ‘bẩn’ lọt vào bữa ăn ngày Tết

Sức khỏeThứ Tư, 28/11/2018 14:13:00 +07:00

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019.

Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), trong dịp Tết, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, nên đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.

Do vậy, các lực lượng chức năng, các địa phương cần kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay được Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong chỉ ra đó là làm thế nào để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học, đặc biệt là bếp ăn công nghiệp cung cấp bữa ăn cho công nhân.

Các bữa ăn giữa ca là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp được. Theo ông Phong, trên thực tế, nhiều nhà máy vẫn đang cung cấp cho công nhân những bữa ăn với giá chỉ từ 12.000 đến 14.000 đồng. Giá các bữa ăn càng thấp thì càng ẩn chứa nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (27%), thực phẩm vốn hàm chứa các chất độc tự nhiên (37,5%), thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch) hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học) với dư lượng độc tố cao,…

Thống kê của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn” (thực phẩm có sử dụng chất kích thích, chất tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật quá dư lượng).

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn