Kết nối nghị sĩ trẻ để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Chính trịThứ Sáu, 15/09/2023 20:15:00 +07:00
(VTC News) -

Trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, các nghị sĩ trẻ mong muốn có khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã thảo luận chuyên đề 2 "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp".

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Tingyu Yuan, Quản lý tại HICOOL, chia sẻ một số quan điểm của Trung Quốc trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, như xây dựng hệ thống quy định của quốc gia thúc đẩy khởi nghiệp, cung cấp tài chính, đơn giản hóa và giảm thiểu rào cản thủ tục hành chính.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký qua mạng mà không cần đến trực tiếp tại các cơ quan quản lý, nhờ vậy đã khuyến khích nhiều người tham gia khởi nghiệp.

Bà Tingyu Yuan, Quản lý tại HICOOL. (Ảnh: quochoi.vn).

 Bà Tingyu Yuan, Quản lý tại HICOOL. (Ảnh: quochoi.vn).

Ngoài ra, bà Tingyu Yuan cho biết chính sách về giảm thuế cũng được Trung Quốc đưa ra với các công cụ tài chính phù hợp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng cường kiến thức tài chính cho doanh nghiệp, tăng cường áp dụng các chính sách với những chính sách cụ thể.

Thời gian qua, Công ty HICOOL có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, với các cơ chế cụ thể như công nghệ xanh, công nghệ y tế, sáng tạo văn hóa, công nghệ lương thực, công nghệ nông nghiệp… Mỗi năm, công ty tổ chức một sự kiện toàn thành phố với các giải thưởng, chương trình hỗ trợ, đào tạo khởi nghiệp.

Theo bà Tingyu Yuan, đây là sự kiện để các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước thể hiện ý tưởng của mình về khởi nghiệp. Đồng thời là dịp để các công ty, người có ý tưởng khởi nghiệp hiểu hơn về các chính sách khởi nghiệp của Trung Quốc.

Chia sẻ kinh nghiệm, nghị sĩ trẻ đến từ Morocco cho biết, trong vài năm trở lại đây, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trở thành những từ khoá, chủ đề nóng hổi được thảo luận ở quốc gia Bắc Phi này.

Lĩnh vực này thu hút nhiều doanh nhân trẻ tham gia đầu tư, hoạt động; các cơ quan cũng đang tăng tốc trong ban hành thể chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều vườn ươm, quỹ đầu tư, hiệp hội và doanh nghiệp ra đời để đồng hành với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Nghị sĩ trẻ Morocco cũng cho biết, Morocco dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực này bởi nó có thể đóng góp cho sự phát triển. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đó cho những nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp sáng tạo, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực hơn để giải quyết các thách thức đang đặt ra.

Nghị sĩ trẻ Morocco. (Ảnh: quochoi.vn).

Nghị sĩ trẻ Morocco. (Ảnh: quochoi.vn).

Nghị sĩ trẻ Morocco nêu rõ, các start-up ở Morocco có sự phát triển rất mạnh mẽ và Morocco có cách tiếp cận chủ động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp mới.

Điểm ra một số hình thức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp trẻ hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nghị sĩ trẻ Morocco cho biết, Morocco dành nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp với các cơ chế đầu tư mạnh mẽ; hỗ trợ tiếp cận thị trường; tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp; các chương trình đào tạo liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Mặc dù có nhiều nỗ lực và thành tựu trong hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, song nghị sĩ trẻ Morocco cũng thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn gặp phải những khó khăn như vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục hành chính…

Đưa ra một số đề xuất chính sách tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi đầu mạnh mẽ từ năm 2016, khi Quốc hội  thông qua nhiều luật, trong đó có luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư và Luật Sở hữu trí tuệ.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa. (Ảnh: quochoi.vn).

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa. (Ảnh: quochoi.vn).

Nhờ nâng cấp khung pháp lý, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng. Hiện có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp, 3 trong số đó được định giá trên 1 tỷ USD và 11 trong số đó được định giá trên 100 triệu USD. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới và thứ 10 ở châu Á Thái Bình Dương.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, các Quốc hội cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ những mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp (sandbox). Đặc biệt, cần tôn trọng và khuyến khích và chuyển tải những tư duy đồng hành, hỗ trợ các chủ thể của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật.

Trên cương vị nghị sĩ trẻ, ông Phạm Trọng Nghĩa khuyến nghị, với vai trò quan trọng của mình, các nghị viện cần liên tục phát triển và nâng cấp hệ thống pháp luật, cung cấp khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.

Vị ĐBQH đề nghị tất cả các thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới cân nhắc thành lập mạng lưới nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, cần phát triển các sáng kiến, hoạt động, tổ chức có năng lực kết nối, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở phạm vi nhiều quốc gia, khuyến khích, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Từ đó, tạo môi trường đào tạo và thực hành tốt cho nguồn nhân lực tương lai cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.

Anh Văn - Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn