DN vận tải 'treo xe': Đợt COVID-19 lần này khủng khiếp hơn trước rất nhiều

Thị trườngThứ Tư, 19/05/2021 06:48:45 +07:00
(VTC News) -

Vốn lao đao vì những lần dịch trước thì nay nhiều doanh nghiệp vận tải lại càng điêu đứng, chỉ hoạt động cầm cự, hứng chịu tác động của đợt COVID-19 lần thứ tư.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt cho biết, đợt dịch bệnh lần này đang ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến doanh nghiệp này. Hiện tại, hãng xe Sao Việt đã dừng hoạt động khoảng 90%, xe chở khách chỉ còn 5 trên tổng số hơn 40 xe được vận hành. Lái xe và công nhân viên của doanh nghiệp này phải nghỉ việc hàng loạt.

DN vận tải 'treo xe': Đợt COVID-19 lần này khủng khiếp hơn trước rất nhiều - 1

Xe khách Sao Việt xếp hàng dài nghỉ dịch COVID-19.

“COVID-19 lần này ảnh hưởng khủng khiếp hơn các lần trước rất nhiều. Hiện tại chúng tôi chỉ có 5 xe hoạt động, mà mỗi xe chỉ có 2, 3 rồi 4 khách. Chạy như vậy đương nhiên là lỗ nhưng vẫn phải chạy để giữ khách", ông Bằng buồn bã cho biết.

Ông Bằng nhận định đợt dịch lần này ảnh hưởng sâu sắc đến công ty của ông cũng như các doanh nghiệp vận tải khác, vốn đã kiệt quệ sau nhiều lần phải "treo xe" vì dịch dã. Hiện tại, ông Bằng cùng các cộng sự tại Sao Việt vẫn chưa thể có một phương án gì khả thi hơn ngoài hoạt động cầm cự và chờ đợi, mong dịch bệnh nhanh được kiểm soát.

Vào lúc này, nhà xe mà đông khách có khi lại trở thành tội đồ”. Ông Bằng cho rằng trong lúc dịch bệnh hoành hành mạnh mẽ như thế này mà người dân di chuyển nhiều bằng xe khách có thể sẽ mang mầm bệnh lây lan đi khắp nơi. Đó là kịch bản tồi tệ và ông không mong muốn điều đó xảy ra. Do đó, ông Bằng chỉ mong sau dịch bệnh sớm được kiểm soát, lúc đó hành khách đông lên thì các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ “sống lại".

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng. Doanh nghiệp này hiện cũng tạm dừng khoảng 80% hoạt động. Trong số các xe còn hoạt động, lượng khách cao nhất trên mỗi xe cũng chỉ đạt khoảng 20%.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp của ông cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải khác vẫn chưa khắc phục hết những thua lỗ do ảnh hưởng từ những đợt dịch trước. Nay COVID-19 tiếp tục dội đến, như cú tát trời giáng khiến doanh nghiệp chưa biết bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu dịch bệnh lần này kéo dài thì tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều.

“Chạy cũng chết mà không chạy cũng chết. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cố gắng cầm cự, chúng tôi tạm thời cũng chưa đưa ra được cách gì khác". Ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh chia sẻ: “Không chạy thì mất uy tín, mất thương hiệu, mà chạy thì lỗ nặng. Cả bộ máy vẫn phải hoạt động, xe vẫn phải chạy, văn phòng vẫn phải hoạt động. Đủ các loại chi phí vẫn phải chi, trong khi khách thì quá thưa thớt”.

Ông Văn cho biết, dịch vụ vận tải hành khách của Văn minh hiện đã tạm dừng khoảng 75%. Lượng khách trên mỗi chuyến xe cao nhất cũng chỉ đạt được khoảng 30% số ghế.

DN vận tải 'treo xe': Đợt COVID-19 lần này khủng khiếp hơn trước rất nhiều - 2

 Tạm dừng hoạt động khoảng 75% nhưng hãng xe vẫn không quyên phun khử khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh.

Ông Văn nhận định COVID-19 lần này ảnh hưởng nặng nề nhất so với những lần trước. Dịch bùng phát ở nhiều tỉnh thành khác nhau và số lượng ca nhiễm trong mỗi tỉnh cũng nhiều. Biến chủng mới làm dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Do đó, tác động lên doanh nghiệp vận tải cũng nặng nề hơn.

Tuy nhiên ông vẫn tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát: “Vừa làm vừa hy vọng là dịch bệnh chỉ khoảng vài tuần nữa là được kiểm soát. Và cũng hy vọng rằng đây là đợt dịch cuối cùng vì thường đợt cuối bao giờ cũng nặng”.

Lạc quan là vậy nhưng ông Văn cũng như Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh đã chuẩn bị phương án trong trường hợp dịch bệnh có thể kéo dài. Đó là chủ động đàm phán với ngân hàng để giãn nợ; Đàm phán với đối tác để giãn thời gian các khoản thanh toán, đồng thời cắt giảm nhân sự, thắt chặt chi tiêu… để tiếp tục cầm cự. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sẵn sàng sử dụng đến nguồn vốn dự trữ trong tình huống xấu nhất.

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng cho biết hiện đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan", tiếp tục chạy thì doanh thu cũng không đủ bù chi phí, mà không chạy thì mất uy tín, không giữ được khách. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đành ngậm ngùi chọn phương án tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh để chờ cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp