Đề nghị đổi tên 'căn cước công dân' thành 'căn cước': Bộ trưởng Công an nói gì?

Chính trịThứ Năm, 22/06/2023 18:45:50 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Công an Tô Lâm lên tiếng trước kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc nên đổi tên "căn cước công dân" thành "căn cước" đảm bảo độ mở, phù hợp thực tiễn.

Chiều 22/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an giải trình, làm rõ một số nội dung được đại biểu đề cập, quan tâm.

Ông Tô Lâm đánh giá, dự án Luật này là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nước ta.

Đề nghị đổi tên 'căn cước công dân' thành 'căn cước': Bộ trưởng Công an nói gì? - 1

Đại tướng Tô Lâm phát biểu.

Về sự cần thiết ban hành, Bộ trưởng Công an cho biết, các ý kiến đều nhất trí ban hành Luật Căn cước và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ luật của Chính phủ.

"Về tên gọi của dự án luật, đa số đại biểu nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật", Bộ trưởng Tô Lâm nói. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Căn cước công dân như hiện nay.

Về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về căn cước kết nối, chia sẻ khai thác thông tin, nhiều đại biểu nhất trí quy định này vì cho rằng đây là nhu cầu thiết yếu trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Trước đó, đề cập đến tên gọi của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) ủng hộ việc đổi tên luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

Theo ông Dũng, căn cước không chỉ được cấp cho công dân Việt Nam mà còn cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Do đó, việc đổi tên đảm bảo điều chỉnh được tất cả đối tượng.

Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho rằng, cơ quan soạn thảo nêu con số 31.000 người gốc Việt Nam đang sống ở Việt Nam, nhưng chưa xác định quốc tịch. Trong khi Hiến pháp quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, việc cấp thẻ căn cước công dân thể hiện đây là công dân Việt Nam. 31.000 người này phải được quản lý nhưng phải có loại thẻ khác dành cho họ để phân biệt, bởi họ chưa phải là công dân Việt Nam.

Đại biểu này cho rằng cần quản lý, tạo điều kiện cho họ nhưng họ không được cấp thẻ căn cước công dân như công dân Việt Nam. Vì 31.000 người ấy mà để hơn 81 triệu người chung một thẻ, đánh đồng nhau là không được.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) bày tỏ đồng ý với lập luận của đại biểu Phàn. Ông nói từ công dân đã chỉ đích danh con người, còn dùng từ căn cước không chỉ đích danh con người được, bởi cả cây trồng, vật nuôi cũng dẫn tới truy xuất nguồn gốc, định danh cho từng loại cây, con vật.

"Nếu ai đã tham gia, quan sát các nhóm, hội nuôi chó mèo đều có định danh và có căn cước cho vật nuôi. Do đó, cần cân nhắc thêm", ông Anh nêu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, cấp căn cước cho nhóm đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người để dễ dàng quản lý.

Theo ông, những người này đa phần rất khó khăn về kinh tế, không có chính sách an sinh xã hội do không có hộ khẩu thường trú, con em không được học hành do không có khai sinh, để lại gánh nặng cho xã hội.

"Nếu có chuyện xảy ra thì không biết đối tượng này ở đâu, truy tìm khó khăn vì không có hồ sơ lưu trữ", ông Hòa lo ngại.

Vì những bất cập trên, ông Hòa nhìn nhận, việc cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này là rất cần thiết, để họ có quyền công dân và được hưởng các chính sách như nhiều người khác.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn