ĐBQH lo ngại tăng biên chế, quỹ lương khi thành lập thêm đơn vị thanh tra

Chính trịThứ Ba, 25/10/2022 12:21:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại biên chế, quỹ lương của các đơn vị sẽ tăng lên khi thành lập thêm Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như Luật Thanh tra đang dự thảo.

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Nhóm vấn đề liên quan tới giữ cơ quan Thanh tra huyện, đề xuất thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ... là những nội dung chủ yếu trong dự Luật Thanh tra sửa đổi lần này được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Ông Trần Nhật Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị ban soạn thảo luật làm rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập, đặc biệt là với những đơn vị thanh tra tới đây sẽ thành lập thêm theo dự thảo luật.

Trong đó, vấn đề thành lập cơ quan thanh tra độc lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ với các cơ quan quản lý thu như thuế, hải quan cần xem xét kỹ lưỡng.

ĐBQH lo ngại tăng biên chế, quỹ lương khi thành lập thêm đơn vị thanh tra - 1

Đại biểu Trần Nhật Minh.

Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mức độ phù hợp của việc thành lập các đơn vị Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ từ góc độ về kinh phí thực hiện, làm rõ quyền hạn và trách nhiệm giữa người đứng đầu tổ chức thanh tra thuộc cơ quan quản lý thu và thủ trưởng cơ quan quản lý thu cấp Tổng cục đối với nội dung các vụ việc được thanh tra.

Ông Mai Văn Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề xuất nên tiếp tục cân nhắc lại việc thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Tổng cục. Đại biểu cho rằng, thành lập các tổ chức thanh tra, các cơ quan thanh tra trong Tổng cục hoặc là Cục thuộc Tổng cục sẽ là tăng về số lượng biên chế, chi phí tiền lương…

Luật hiện hành chưa cho phép lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng luật cho phép Chính phủ xem xét, quyết định, giao cho Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Do đó, đại biểu cho rằng việc thành lập thêm đơn vị thanh tra Tổng cục, Cục là cần xem xét lại. Đặc biệt, không nhất thiết Tổng cục, Cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.

Năm vấn đề lớn của dự thảo Luật Thanh tra 

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu 5 vấn đề được cử tri, đại biểu quan tâm.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đa số ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật về việc duy trì hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Không duy trì Thanh tra huyện sẽ giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện.

ĐBQH lo ngại tăng biên chế, quỹ lương khi thành lập thêm đơn vị thanh tra - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiều đại biểu đề nghị không thành lập cấp Thanh tra này do e ngại sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập. Nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Việc này về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nên không trái với yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán. Cụ thể, khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện.

Về mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thanh tra, để tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, tránh sự can thiệp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, trong dự thảo Luật bỏ quy định về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.

Về việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho các cơ quan thanh tra. Dự thảo cũng được rà soát kỹ để lược bỏ các quy định có sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng, có thể thực hiện "tùy nghi" để tránh bị lợi dụng, lạm dụng khi áp dụng nhằm thực hiện hành vi tiêu cực.

Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010. Dự án Luật Thanh tra sửa đổi sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 14/11.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn