ĐBQH: Chúng ta có tiền, có quyền tạo ra chính sách, sao triển khai lại khó thế?

Chính trịThứ Hai, 30/10/2023 20:01:29 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Dương Văn Phước trăn trở, dù có tiền, có quyền tạo ra cơ chế, chính sách nhưng vẫn gặp khó khăn khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Chậm giải ngân do đâu?

Trăn trở khi 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm trong phân bổ, giải ngân vốn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc giải ngân vốn nếu chậm chỉ gia hạn cho kéo dài đến hết quý I/2024.

"Nếu không xong thì đó là không hoàn thành nhiệm vụ, vốn đó phải chuyển cho nội dung khác, dự án khác", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Ông Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Quốc hội cho phép các chương trình mục tiêu quốc gia duyệt kinh phí hỗ trợ con em nhà nghèo được đi học ở nhà trẻ mẫu giáo. Mức hỗ trợ được ông đề nghị khoảng 500.000 đồng/tháng/cháu.

Theo ông, trẻ trong độ tuổi đi học mầm non, đều là tương lai của đất nước, rất cần được đi học. Tuy nhiên, nhiều gia đình do nghèo, không có tiền cho con đi học, hoặc nếu đi thì học ở những cơ sở thiếu thốn, không đạt chuẩn.  

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu chiều 30/10. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu chiều 30/10. (Ảnh: Quochoi.vn)

Song song với đề xuất về mức hỗ trợ, ông Nguyễn Anh Trí kiến nghị khi áp dụng phải có cách thức thực hiện sao cho hợp lý, đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ là con em nhà nghèo, có thể đang được trông giữ ở cả cơ sở trông giữ trẻ công lập hoặc tư lập.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) phân tích, 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm 2 năm, tức đến năm 2022 mới bắt đầu.

Đây là 3 chương trình rất quan trọng, các địa phương cùng đại đa số người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo đang mong đợi tiếp tục triển khai.

Đại biểu Dương Văn Phước cũng thẳng thắn nhìn nhận qua 3 năm thực hiện các chương trình, kết quả về giảm nghèo vẫn chưa đạt như mục tiêu đề ra; nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao; đời sống người dân vẫn gặp vô vàn khó khăn; khoảng cách giàu nghèo giữa người dân, giữa vùng miền, địa phương vẫn rất lớn.

Dẫn câu chuyện về việc học sinh thiếu gạo ăn, ông Phước nói điều đó thật đau lòng và đáng trăn trở. "Tại sao chúng ta có tiền, có quyền tạo ra cơ chế, chính sách, sao triển khai, thực hiện lại khó đến thế", đại biểu Phước nói.

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và từng địa phương quyết liệt hơn nữa, kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập để triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu chiều 30/10. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu chiều 30/10. (Ảnh: Quochoi.vn)

Sớm gỡ vướng cho kịp tiến độ

Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đánh giá, số lượng văn bản liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia quá nhiều, một số văn bản của Trung ương và địa phương ban hành còn chậm, nhiều hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc, khó thực hiện.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

"Việc ban hành Nghị định 38 tuy đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc từ cơ sở nhưng vẫn còn một số nội dung chưa tháo gỡ được, thậm chí có quy định rất khó thực hiện, nhất là các nội dung về hỗ trợ sản xuất", đại biểu Sang nói.

Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời, hiệu quả hơn. 

Về việc phân bổ nguồn vốn bố trí chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, đại biểu Sang cho rằng, việc lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn do vốn ngân sách Trung ương chậm, phân bổ chưa sát với tình hình, nhu cầu thực tế của một số địa phương.

Đặc biệt, việc giao vốn sự nghiệp còn nhiều bất cập và chưa có sự thống nhất giữa 3 chương trình và việc giao chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án về nội dung, thành phần tùy theo quy định. Tiến độ giải ngân ngân sách Trung ương còn rất thấp và khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn ngân sách đến năm 2025 còn rất khó khăn. 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành được phân công sớm có giải pháp ban hành kế hoạch vốn để phân bổ vốn, giao vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương để triển khai thực hiện kịp thời.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn