Quan chức Quốc hội: Giảm nghèo đạt chỉ tiêu nhưng nguy cơ tái nghèo cao

Chính trịThứ Hai, 30/10/2023 12:41:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt chỉ tiêu đề ra nhưng nguy cơ tái nghèo cao.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Nguy cơ tái nghèo cao

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu 75.000 tỷ đồng.

Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm. (Ảnh: Quochoi.vn).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm. (Ảnh: Quochoi.vn).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện. Đến tháng 9/2022, đây là Chương trình đầu tiên trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương.

Các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản theo quy định. Việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật. Chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm theo Nghị quyết 24 đề ra.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận định, kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến tháng 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn.

“Chương trình đến nay đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, song trên thực tế đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao”, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Các đại biểu tham dự kỳ họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bàn về những vướng mắc trong quá trình giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện.

“Cần có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số”, đại biểu Luận nói.

Còn đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị cần xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa. 

Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu. (Ảnh: Quochoi.vn).

“Tôi đề nghị cần đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở vào Báo cáo giám sát, cần phải nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi, cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào cách chi tiêu, tái tạo sức lao động tiết kiệm, tích lũy tránh sa vào tệ nạn xã hội”, đại biểu Minh nhấn mạnh.

Thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, có những người dân chưa muốn thoát nghèo.

Mặc dù đánh giá cao 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng: “Nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài.

Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo. Do vậy, tôi đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ”, đại biểu Hạ nói .

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho biết, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn.

“Một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.

Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thế chính có ý thức vươn lên”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi người nghèo có ý thức vươn lên. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi người nghèo có ý thức vươn lên. (Ảnh: Quochoi.vn).

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Đại biểu cho rằng cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này. 

“Việc giải ngân cho công tác giảm nghèo được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên hiệu quả thì chưa đảm bảo, nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng, khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực.

Do vậy, cần thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là người dân, cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương. 

Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, việc giải ngân trong công tác truyền thông về các chương trình mục tiêu quốc gia cũng cần khắc phục để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia này”, đại biểu Nghĩa nói.

Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho biết còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025.

Nguyên nhân bởi các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn nên không được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn