Đằng sau án phạt kỷ lục của Trung Quốc với gã khổng lồ công nghệ Alibaba

Thời sự quốc tếThứ Hai, 12/04/2021 14:57:11 +07:00
(VTC News) -

Cơ quan giám sát cạnh tranh của Trung Quốc đang bổ sung nguồn lực để tăng cường chống lại các hành vi phản cạnh tranh, đặc biệt ở các tập đoàn công nghệ lớn.

Bắc Kinh đang có kế hoạch trang bị nguồn lực cho Cơ quan Quản lý Quy định Thị trường (SAMR), trong khi sửa đổi luật cạnh tranh với các đề xuất tăng mức phạt và mở rộng tiêu chí đánh giá sự kiểm soát của một công ty đối với thị trường.

Hôm 10/4, cơ quan này giáng đòn trừng phạt kỷ lục 2,75 tỷ USD nhắm vào tập đoàn Alibaba sau khi một cuộc điều tra chống độc quyền phát hiện gã khổng lồ thương mại điện tử “lợi dụng vị thế vượt trội của mình trên thị trường” để giảm khả năng cạnh tranh của đối thủ, tác động tới đổi mới kinh tế mạng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng.

Đằng sau án phạt kỷ lục của Trung Quốc với gã khổng lồ công nghệ Alibaba - 1

Án phạt này thể hiện thách thức đối với không chỉ các công ty trong nước mà ngay cả các công ty toàn cầu đang hoạt động ở Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Theo Reuters, các nhà chức trách Mỹ và châu Âu cũng có những động thái tương tự về chống độc quyền trong những năm gần đây.

Cụ thể, theo các nguồn tin, cơ quan giám sát cạnh tranh tại Bắc Kinh dự định tăng số nhân sự lên khoảng 20-30 người, đồng thời giao thêm quyền xem xét các vụ việc cho văn phòng địa phương và tìm nguồn bổ sung nhân lực từ các cơ quan chính phủ khác đối các vụ việc cần điều tra mở rộng.

Bên cạnh đó, ngân sách phân bổ cho điều tra chống độc quyền, các hoạt động hàng ngày và các dự án nghiên cứu cũng được tăng cường.

SAMR chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Văn phòng chống độc quyền của SAMR được thành lập vào đầu năm 2018, hợp nhất từ hai bộ khác của chính phủ Trung Quốc, thành một cơ quan có thẩm quyền duy nhất giám sát các hoạt động độc quyền.

Văn phòng đã được trang bị các luật mới nghiêm ngặt hơn trong vài tháng qua.

Quyền hạn của SAMR được bổ sung khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cân nhắc cần thiết phải “tăng cường chống độc quyền” nhằm kiềm chế những công ty khổng lồ đóng vai trò chi phối trong lĩnh vực tiêu dùng của nước này. Một nguồn tin pháp lý thân cận với SAMR cho biết Trung Quốc cảm thấy cần điều chỉnh các công ty internet đang “cao hơn luật pháp”.

Với sự giám sát này, các giám đốc điều hành của các công ty internet lớn được yêu cầu báo cáo định kỳ cho cục chống độc quyền về các giao dịch sáp nhập hoặc các hoạt động có thể vi phạm quy tắc chống độc quyền.

SAMR bắt đầu mở rộng sự hiện diện của mình ở nhiều thành phố hơn như Hàng Châu và Thâm Quyến. Họ cũng bắt đầu thuê ngoài nhiều dịch vụ nghiên cứu như phân tích kinh tế và công nghiệp, để đẩy nhanh các vụ việc đang diễn ra, một trong những nguồn tin cho biết.

Hiện tại, trọng tâm của các nhà đầu tư là xem ai trong số các công ty công nghệ nội địa lớn có thể là mục tiêu tiếp theo của cơ quan giám sát chống độc quyền Trung Quốc.

Fred Hu, Chủ tịch công ty cổ phần tư nhân Primavera Group, cho biết: “Các công ty công nghệ khác nên khôn ngoan cho rằng họ có thể bị giám sát và phạt tương tự”.

Ông nói thêm: "Việc phạt nặng đối với một trong những công ty công nghệ thống trị của đất nước cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ đến ngành rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc, giống như các đối tác châu Âu, đang nghiêm túc về việc kiềm chế Big Tech”.

 

Phương Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn