Cuộc tập kích của Hamas vào Israel sẽ thay đổi hoàn toàn Trung Đông?

Tư liệuThứ Ba, 31/10/2023 12:15:02 +07:00
(VTC News) -

Cuộc tập kích bất ngờ của Hamas vào Israel hôm 7/10 đang làm xáo trộn tình hình khu vực, nguy cơ thay đổi hoàn toàn Trung Đông.

Vào ngày 7/10, lực lượng Hamas phát động cuộc tấn công khiến Israel bất ngờ. Máy bay chiến đấu của Hamas đã tràn vào các cơ sở và khu định cư quân sự của Israel, khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng.

Israel đáp trả bằng chiến dịch trên bộ ở Gaza, áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn và ném bom không ngừng vào các tòa nhà và cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza. Hơn 6.500 người Palestine thiệt mạng sau đợt không kích của  Israel.

Cuộc tấn công của Hamas không chỉ làm thay đổi quan hệ Palestine - Israel mà còn làm thay đổi toàn bộ tình hình Trung Đông. Động thái của Hamas khiến chiến lược giảm leo thang của Mỹ trong khu vực rơi vào tình trạng hỗn loạn, đặt các chính phủ Ả Rập và Iran vào tình thế khó khăn, đồng thời mở ra cơ hội cho sự tham gia lớn hơn của Trung Quốc và Nga.

Dải Gaza chìm trong khói lửa bởi các cuộc không kích giữa Israel và phong trào Hamas, Palestine trong nhiều ngày qua. (Ảnh: Reuters)

Dải Gaza chìm trong khói lửa bởi các cuộc không kích giữa Israel và phong trào Hamas, Palestine trong nhiều ngày qua. (Ảnh: Reuters)

Chiến lược của Mỹ bị suy yếu

Trong 3 năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden giảm dần sự can dự vào Trung Đông và dồn sức vào đối chọi, tìm cách giảm ảnh hưởng Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ.

Để làm được điều đó, Mỹ hy vọng sẽ “hạ nhiệt” căng thẳng trong khu vực bằng cách đóng vai trò trung gian, giúp bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel, trong khi giảm leo thang với Iran. Washington cũng thiết lập hành lang kinh tế nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu nhằm ngăn kiểm chế hưởng Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel dường như đặt dấu chấm hết cho những dự tính của Washington. Đầu tiên, hành động của Hamas đóng băng quá trình bình thường hóa giữa Israel và Ả Rập Xê-út, cản trở việc ký kết thỏa thuận an ninh khu vực.

Thứ hai, các cuộc tấn công của Hamas cũng buộc Mỹ phải đảo ngược chính sách giảm hiện diện quân sự trong khu vực, thay vào đó Washington nhanh chóng đem quân tăng cường cho Trung Đông. Theo đó, Lầu Năm Góc triển khai một tàu sân bay ở đông Địa Trung Hải, trong khi một tàu sân bay khác được điều đến vùng Vịnh.

Cùng hiện diện với tàu sân bay là 100 chiến đấu cơ, tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm được trang bị tên lửa Tomahawk. Washington nói rằng việc tăng cường quân sự này nhằm ngăn chặn bên thứ ba mở mặt trận khác chống lại Israel.

Thứ ba, nỗ lực của Mỹ nhằm giảm căng thẳng với Iran cũng đã chấm dứt. Chỉ một tháng trước, hai nước đã đạt được thỏa thuận về trao đổi tù nhân và giải phóng tài sản bị phong tỏa trị giá 6 tỷ USD của Iran.

Những tưởng tín hiêu tích cực trong quan hệ song phương sẽ khiến chính quyền Iran tạo áp lực các lực lượng thân Iran ở Syria và Iraq, dừng tiến hành các cuộc tấn công chống lại lực lượng Mỹ trong khu vực.

Tuy nhiên, những diễn biến trong tuần qua khiến quan hệ Mỹ - Iran ngày càng xấu đi.  Các nhóm vũ trang thân Iran ở Syria và Iraq đã tiến hành loạt cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ, làm bị thương một số binh sĩ Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng tuyên bố lực lượng Mỹ ở phía bắc biển Đỏ đã chặn các máy bay không người lái và tên lửa do lực lượng Houthis ở Yemen bắn.

Tất cả những điều diễn biến này cho thấy nguy cơ Mỹ bị kéo vào cuộc xung đột khu vực ở Trung Đông ngày càng hiện hữu.

Mỹ đã điều tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới Israel chỉ vài giờ sau khi Hamas tấn công lãnh thổ Israel hôm 7/10. (Ảnh: AP)

Mỹ đã điều tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới Israel chỉ vài giờ sau khi Hamas tấn công lãnh thổ Israel hôm 7/10. (Ảnh: AP)

Tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' của Ả Rập và Iran

Cuộc tấn công của Hamas và đòn đáp trả của Israel ở Gaza cũng đặt chính quyền khu vực vào tình thế khó khăn. Một mặt, Mỹ đang gây áp lực lên đồng minh Ả Rập - những nước đã bình thường hóa quan hệ với Israel, lên án Hamas. 

Mặt khác, việc Israel không kích liên tục vào dải Gaza khiến dư luận Ả Rập phẫn nộ và gây áp lực buộc các chính phủ Ả Rập phải hành động đoàn kết với người Palestine. Đã có những dấu hiệu cho thấy sức nặng của dư luận đang đẩy các nhà lãnh đạo Ả Rập đi ngược lại mong muốn của Mỹ.

Hiện tại, các chính phủ Ả Rập thân Mỹ đang muốn xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng. Nhưng nếu Israel tiếp tục tấn công vào Gaza, chính quyền các nước Ả Rập sẽ phải hành động, đảo ngược tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel, dập tắt hy vọng của Mỹ.

Iran cũng rơi vào tình thế khó khăn vì nhiều lý do. Ban lãnh đạo Iran ca ngợi cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas trong khi phủ nhận liên quan đến vụ việc này. Tehran đang thận trọng cố gắng không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu trực tiếp với Israel hoặc Mỹ, đồng thời ủng hộ Hamas.

Israel tuyên bố mục tiêu của cuộc chiến ở Gaza là nhằm tiêu diệt Hamas. Điều này có nghĩa là Tehran có thể mất đi một đồng minh quan trọng trong khu vực. Do đó, nước này phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc đứng yên và chứng kiến ​​Hamas bị Israel suy yếu hoặc bị loại bỏ, hoặc khuyến khích lực lượng Hezbollah ở Lebanon tham chiến và gây áp lực lên Israel ở phía bắc.

Cả Israel và Mỹ đều cảnh báo Hezbollah sẽ phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu tấn công Israel. Một khi có được sự hỗ trợ đầy đủ của Mỹ, Israel có thể tận dụng cơ hội này để tấn Hezbollah. Điều này chắc chắn sẽ gây bất ổn cho Lebanon, vốn không có lợi cho Iran.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: RIA Novosti)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: RIA Novosti)

Tính toán của Nga và Trung Quốc

Mỹ đang từng bước dính líu, can dự và nguy cơ sa lầy vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông, trong khi liên minh Mỹ với các quốc gia Ả Rập ngày càng suy yếu.

“Cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ dẫn đầu đã làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trong khu vực. Mỹ phải đồn lực cho Trung Đông, tạo không gian cho Moskva và Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng ở các khu vực lân cận. Cả hai Trung Quốc và Nga đều hưởng lợi từ việc Washington sa lầy ở Trung Đông trong hai thập kỷ qua. 

Nga và Trung Quốc chỉ bắt đầu cảm nhận áp lực từ Mỹ sau khi nước này rút khỏi Trung Đông, cho phép Washington thực hiện “xoay trục sang châu Á” và tập trung nhiều hơn vào liên minh NATO. Điều đó bây giờ có thể thay đổi khi Mỹ đứng trước nguy cơ bị lôi kéo vào Trung Đông thêm lần nữa.

Mỹ tăng cường quân sự ở Trung Đông, viện trợ nhiều hơn cho quân đội Israel đồng nghĩa với việc có ít nguồn lực quân sự, tài chính và ngoại giao để hỗ trợ cho Ukraine và giúp các đồng minh ở châu Á đang cố gắng để chống lại áp lực của Trung Quốc.

Ngoài ra, sự hỗ trợ vô điều kiện của Mỹ cho chiến dịch tấn công Israel ở Gaza đang làm suy yếu vị thế của nước này trong thế giới Hồi giáo, tạo điều kiện cho Nga và Trung Quốc giành được chỗ đứng. Hai nước đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến ở Gaza, đổ lỗi cho Mỹ về cuộc xung đột này. 

Cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10 của Hamas có thể đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn khu vực Trung Đông. Mức độ của sự thay đổi này sẽ phụ thuộc khả năng của Mỹ trong kiềm chế Israel. Nếu Washington không gây áp lực lên Chính phủ Israel để ngừng chiến ở Gaza, dỡ bỏ vòng vây và bắt đầu đàm phán với Hamas, thì toàn bộ khu vực có thể chìm trong biển lửa.

Với những diễn biến hiện nay, xung đột Israel - Hamas có nguy cơ mở rộng sang Lebanon, Syria, Yemen và Iraq, gây ra biến động lớn ở phần còn lại của thế giới Ả Rập. Điều này không chỉ gây tổn hại cho các liên minh khu vực của Mỹ mà còn mở rộng cánh cửa cho sự can dự sâu sắc hơn nhiều của Nga và Trung Quốc trong khu vực.

Kông Anh(Nguồn: Al Jazeera)
Bình luận
vtcnews.vn