Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 06/02/2022 08:27:00 +07:00
(VTC News) -

Ba khẩu súng thần công được ngư dân Hà Tĩnh tìm thấy vào một lần đi lặn bắt sò điệp.

Trong không khí bận rộn của những ngày cuối năm 2021, chúng tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng Hà Tĩnh – nơi lưu giữ hàng ngàn cổ vật quý hiếm.

Cùng ông Nguyễn Trí Sơn – Cựu Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, thăm lại nơi làm việc cũ, chúng tôi tò mò về khẩu súng thần công khổng lồ, chạm khắc tinh xảo đặt giữa lối ra vào bảo tàng. Ông Sơn kể lại câu chuyện gần 20 năm trước.

Xuống đáy biển mò cổ vật

Vào một ngày cuối tháng 8 năm 2003, trong khi lặn bắt sò điệp ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh, ngư dân xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) phát hiện một con tàu cổ bị đắm ở độ sâu 30m gần đảo Mắt, cách cửa Nhượng khoảng 36 hải lý. 

Từ bao đời nay, ngư dân trong vùng sinh sống yên bình, mưu sinh bằng nghề chài lưới đánh cá. Ngày đó, sau khi con tàu cổ bị đắm có chứa nhiều cổ vật được phát hiện, cuộc sống ngư dân làng chài xã Cẩm Lĩnh bị khuấy động.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 1

Bảo tàng Hà Tĩnh hiện có 3 khẩu súng thần công (Ảnh: Trọng Tùng)

Chúng tôi gặp lại ông Cao Xuân Đức (67 tuổi, xã Cẩm Lĩnh), là thuyền trưởng và cũng là một trong những người trực tiếp tham gia trục vớt 3 khẩu súng thần công.

Ông Đức nói, những người tìm thấy con tàu đắm đầu tiên là ông Trần Trọng Thưởng và ông Phạm Tiến Phương (cùng trú xã Cẩm Lĩnh), tuy nhiên sau khi trục vớt 3 khẩu súng thần công được ít năm thì ông Thưởng phát bệnh, trở nên không bình thường.

Ngược dòng thời gian, lúc đó ông Đức còn nhớ là khoảng 18h, gia đình đang chuẩn bị bữa tối thì có người trong thôn báo tin phát hiện con tàu đắm, kêu mọi người tập trung ra khơi phụ giúp vớt lên. “Đến khoảng 1h đêm, thuyền của chúng tôi có 4 người bắt đầu xuất phát. Do đường quá xa nên đến 8h sáng đội thuyền của chúng tôi mới hội quân được với những người trong xã”, ông Đức nhớ lại.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 2

Ông Cao Xuân Đức không thể quên ngày trục vớt được báu vật từ nơi đáy biển. (Ảnh: Trọng Tùng)

Sau khi lặn xuống “chạm mặt” cổ vật, ông Đức nhận định đó là một khẩu súng đại bác.

Con tàu nằm ở độ sâu gần 30m nên nhóm thợ lặn ngày đó phải đeo thêm chì, ngậm vòi dưỡng khí, ngâm mình dưới đáy biển nhiều giờ. Do súng nằm dưới lớp cát quá lâu, nhóm thợ lặn của ông Đức phải mất 2-3 ngày mới có thể đào bới hết lớp cát và thấy hết hình dạng của khẩu thần công.

Những ngày tiếp theo, nhóm thợ lặn tiếp tục tìm thấy nhiều cổ vật như nồi đốt hương, lư hương cổ, các ấm pha trà…

Sau 1 tuần liên tục “xới biển”, nhóm thợ lặn tiếp cận 2 khẩu đại bác còn lại. “Sau khi phát hiện có thêm 2 khẩu đại bác, nhóm chúng tôi bổ sung thêm khoảng 20 người. Do những khẩu súng quá nặng, chúng tôi phải thuê tàu lớn từ Thạch Kim vào, dùng cần trục có dây tời mới trục đưa được 3 khẩu thần công lên khỏi mặt nước”, ông Đức kể.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 3

Hoa văn trên thân súng (Ảnh: Trọng Tùng)

Để cảm ơn chủ tàu Thạch Kim và cũng coi như chi phí trục vớt nhiều ngày, nhóm thợ lặn quyết định tặng người này 1 khẩu đại bác. Sau khoảng 2 tuần hì hục lục tung đáy biển, nhóm thợ lặn bắt đầu “lên dây cót” đưa cổ vật vào bờ.

Hai khẩu còn lại được mang về cất sau vườn rau của gia đình anh Phạm Tiến Phương và Trần Trọng Thưởng. Rất nhiều người tới để ngã giá, có người trả 150 triệu/khẩu nhưng ngư dân không bán.

Video: Cận cảnh 3 khẩu súng thần công tại bảo tàng Hà Tĩnh.

“Bảo quốc, An dân Đại tướng quân”

Một chiều muộn cuối tháng 8/2003, ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh nhận được thông tin cơ quan chức năng vừa tịch thu một khẩu đại bác, nghi là đồ cổ. Sau khi tìm hiểu và biết rằng ngoài khẩu súng này, còn có thêm 2 khẩu nữa đang được ngư dân xã Cẩm Lĩnh cất giữ, ông Sơn tức tốc cùng đồng nghiệp tới hiện trường.

Theo lời kể của ông Sơn, “Khi vào hiện trường, 2 khẩu súng được người dân mang để sau vườn. Họ cứ nghĩ 2 khẩu súng này có giá trị rất lớn, một phần do những người buôn bán đồ cổ thổi giá nên không đồng ý nhượng lại cho bảo tàng. Chúng tôi phải tổ chức nhiều cuộc họp, nhờ cơ quan chức năng vào cuộc khi đó người dân mới chịu thương lượng”.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 4

Ông Nguyễn Trí Sơn nhớ lại những kỷ niệm khó quên với 3 khẩu thần công (Ảnh: Trọng Tùng)

Xác định đây là những khẩu đại bác có niên đại từ rất lâu, mang ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, Bảo tàng Hà Tĩnh đã thương lượng, trích 40 triệu đồng từ kinh phí mua bán, chuyển nhượng hiện vật trao cho nhóm ngư dân để đưa hai khẩu thần công về bảo tàng bảo quản và được ngư dân đồng ý.

Sau khi ba “anh em” súng thần công "đoàn tụ" tại Bảo tàng Hà tĩnh, những manh mối đầu tiên về niên đại của chúng bắt đầu được hé lộ.

Theo ông Nguyễn Trí Sơn, 3 khẩu thần công có hình dáng, kích thước và trang trí hoa văn giống hệt nhau. “Các họa tiết trang trí dày đặc, được nạm bạc với các đề tài truyền thống như cúc dây, rồng chầu mặt nguyệt, đầu rồng, mây, chẩm tròn, đường đồng tâm. Tuy nhiên ngư dân đã tháo hết bạc được nạm trên thân súng”, ông Sơn miêu tả.

Để tạo được vẻ đẹp như ban đầu cho khẩu súng, Bảo tàng Hà Tĩnh đã quyết định trích một số tiền để thuê thợ khảm bạc lại một trong 3 khẩu.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 5

Mất rất nhiều công sức để khảm bạc lại khẩu súng thần công (Ảnh tư liệu)

Bảo tàng Hà Tĩnh xác định 3 khẩu thần công có tên lần lượt là Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhất (dịch là: vị thứ nhất trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân); Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhị (dịch là: vị thứ hai trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân) và Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi tam (dịch là: vị thứ ba trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân).

Trước khi được trục vớt, hoa văn và chữ Hán trên ba khẩu thần công này đều được nạm bạc cầu kỳ, tinh tế. Nhưng sau khi được trục vớt, ngư dân bóc hết phần nạm bạc có trên hai khẩu súng. Khẩu còn lại vẫn còn một số hoa văn nạm bạc ở phần đầu, thân và phần chữ Hán.

Giữa thân súng có hai quai chạm khắc hình rồng và hai tai tròn làm giá đỡ, một bên tai có hàng chữ Hán nói về trọng lượng và kích thước súng. Rồng ở đây có bốn móng đuôi, đuôi xoắn cong dữ tợn theo phong cách thời Nguyễn. Các hoa cúc dây được lồng vào nhau đối xứng bao quanh súng. 

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 6

Các họa tiết trang trí dày đặc, được nạm bạc với các đề tài truyền thống (Ảnh: Trọng Tùng)

Mô tả từ phần đốc súng tới miệng súng cho thấy ba khẩu thần công màu nâu xám, hình trụ tròn, thon nhỏ dần về phía miệng súng. Phần đốc súng gồm có khóa nòng, cổ và núm súng. Phần khóa nòng được tạo đường gờ hình tròn đồng tâm.

Giữa súng có trục súng và đáy vành có tác dụng cố định súng trên giá đỡ, bên trên có quai súng được tạo hình đầu rồng. Súng có hai vòng đai tăng cường, xung quanh có các hoa văn trang trí. Nòng súng có đường kính 12cm.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 7

Quai súng chạm khắc hình rồng dữ tợn và hai tai tròn làm giá đỡ cho súng. (Ảnh: Trọng Tùng)

Đáy nòng là nơi đặt đạn tỳ vào tấm chèn có độ hở nòng. Tiếp đó là khoang để thuốc súng có lỗ thông hơi ra bên ngoài. Ở họng súng, mép miệng có các đường gân nổi.

Súng có kích thước 243cm, đường kính nòng 23cm, đường kính đáy 45cm, nặng 2080 cân theo hệ đo lường cổ Việt Nam, bằng 1,25 tấn.

Vén bức màn lịch sử

Sau khi Bảo tàng Hà Tĩnh phục chế và biết được "thân thế" của 3 khẩu súng thần công, nhóm nghiên cứu đối mặt với những câu hỏi khó trả lời: tại sao 3 khẩu thần công này lại bị đắm ở vùng biển Hà Tĩnh, đắm vào thời gian nào, lý do bị đắm?

Về sự kiện đúc súng này, sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, quyền VII có ghi: “Tân Tỵ, mùa xuân, tháng giêng... Đúc súng đại bác Uy phúc. Trước là quân Thị trung đào được vạn cân đồng đem dâng. Vua sai đúc ba khẩu đại bác, đều đặt tên là “Bảo quốc an dân đại tướng quân”, thân chế bài minh khắc vào súng để ghi.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 8

Những bài minh văn trên thân súng hé lộ một triều đại phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: Trọng Tùng)

Một khẩu bài minh rằng: Minh Mạng năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy phúc, để bảo đời sau: Phúc đến có điềm hay, tiếng oai quét yêu quái, truyền con cháu ta, văn võ đều giỏi.

Khẩu thứ hai bài minh rằng: Minh Mạng năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy phúc, để bảo đời sau: Phúc lan khắp trong nước, uy dậy cả bốn phương, ức muôn năm ấy, phát mãi điểm lành.

Khẩu thứ ba bài minh rằng: Minh Mạng năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy phúc, để bảo đời sau biết rằng: Uy để chống giặc, phúc ứng điềm lành, văn võ đều dùng, thọ khảo mãi mãi”.

Theo đó, Bảo tàng Hà Tĩnh xác định 3 khẩu thần công được vua Minh Mạng cho đúc, đặt tên và viết bài minh vào mùa xuân tháng Giêng năm Tân Tỵ (1821) tại Kinh đô Huế.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 9

Lá đề khảm bạc có nét giống với họa tiết ở phương tây. (Ảnh: Trọng Tùng)

Minh Mạng là vị vua thứ hai của nhà Nguyễn có nhiều cải cách sâu rộng về hành chính, bộ máy nhà nước, chú trọng đến phát triển quân đội. Suốt 20 năm trị vì (1820-1840) vị vua này đã đưa đất nước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

Theo tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, trong thời gian trị vì, vua Minh Mạng đã cho đúc 269 khẩu thần công bằng đồng, trong đó có ba khẩu thần công “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” này. 

Chúng là biểu tượng quyền uy của nhà vua, là sức mạnh của một đất nước đang phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa , xã hội và an ninh quốc phòng . Điều này không chỉ thể hiện kích thước, trọng lượng to lớn mà còn thể hiện ở hoa văn trang trí của súng đạt đến trình độ cao về thẩm mỹ, văn hóa và khoa học.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Sơn, dựa vào những đồ án hoa văn trang trí, những bài minh văn trên thân súng, thì mục đích của việc đúc súng là chúc mừng vua Minh Mạng lên ngôi hoàng đế, sau đó là xua tan đi những điều không tốt lành. “3 khẩu súng này dùng để thể hiện uy quyền của nhà vua chứ không phải dùng để đánh trận như những khẩu súng khác”, ông Sơn nói.

Chuyện về 3 khẩu súng 'bảo vật quốc gia' trong con tàu cổ bị đắm ở Hà Tĩnh - 10

Ba khẩu "Bảo quốc an dân đại tướng quân" không dùng để đánh trận. (Ảnh: Trọng Tùng)

Các hiện vật này cũng cho thấy trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật luyện kim màu, kỹ thuật đúc đồng của nước ta vào những thập niên đầu của thế kỷ XIX .

Với những giá trị tiêu biểu và độc đáo về nhiều mặt, ba khẩu thần công của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 30/12/2013.

TRỌNG TÙNG
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp