'Chạy nước rút' cuối năm, nhà đầu tư nên dốc tiền vào đâu?

Đầu TưThứ Ba, 01/11/2022 14:24:00 +07:00
(VTC News) -

Cuối năm là thời điểm nhiều nhà đầu tư tăng tốc về đích, kết thúc chiến lược kinh doanh sau một năm, trong bối cảnh hiện nay, đâu là kênh đầu tư tốt nhất?

Bất động sản trầm lắng

Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn chững lại khi nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng bị siết lại. Bởi vậy mà nhiều doanh nghiệp bất động sản ngóng tín dụng từ ngân hàng như "nắng hạn chờ mưa".

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này không tốt cho thị trường bất động sản.

Trước đó, thị trường bất động sản sốt nóng, không ít người vay tín dụng để đầu tư. Nhưng hiện nay thị trường chững lại, giao dịch khó khăn hơn khiến nhiều người bị mắc kẹt. Do đó, nếu lãi suất ngân hàng tăng cao, việc vay đầu tư bất động sản sẽ bị nhà đầu tư cân nhắc, thậm chí là bỏ qua”, ông Điệp nói.

'Chạy nước rút' cuối năm, nhà đầu tư nên dốc tiền vào đâu? - 1

Nhiều nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền thời điểm cuối năm.

Đối với những người có nhu cầu mua nhà thực tuy cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng nhưng thường không nhiều, bởi họ sẽ chỉ mua một ngôi nhà để ở, nếu vay mua nhà cũng chỉ trong khoảng nhất định, phù hợp với khả năng chi trả. Trong khi đó, chịu tác động lớn nhất là những người đầu tư, đầu cơ bất động sản mà dùng đòn bẩy quá lớn. 

Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) mức lãi suất huy động đã lên tới 10%/năm như hiện nay sẽ là thử thách khó khăn đối với các đơn vị phát triển bất động sản. Ngoài ra, tính pháp lý của các dự án cũng thay đổi khi một số quy định về đầu tư, thuế đất tăng gấp 2-3 lần giai đoạn trước. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp có thể tạm dừng, gia hạn, kéo dài thời điểm đầu tư vì có ra được sản phẩm cũng khó bán, giá lại thấp.

Về cơ bản, giai đoạn này là thời điểm cơ cấu lại thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư hoặc phát triển sẽ phải bán tài sản nếu như giai đoạn trước sử dụng đòn bẩy lớn”, ông Toản nhấn mạnh.

Vàng gặp nhiều rủi ro

Vàng luôn là kênh đầu tư trú ẩn tài sản được nhiều người lựa chọn khi thị trường nhiều biến động tuy nhiên đây lại là kênh đầu tư khó có thể lường trước bởi mức giá thay đổi từng ngày. 

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang rất lớn, lên tới 18 triệu đồng/lượng. Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, hiện tại đầu tư vào vàng sẽ có mức rủi ro rất cao. Về lâu dài, giá vàng trong nước sẽ dịch chuyển theo giá thế giới, mức chênh lệch sẽ có sự điều chỉnh xuống để giá vàng trong nước và thế giới có cùng nhịp tăng. Hơn nữa, chênh lệch giữa giá mua và giá bán trong nước rất cao, khi thu hẹp khoảng cách thì sẽ không có lợi cho người mua. Người kinh doanh vàng mua vào thấp bán ra cao, họ biết giá vàng sẽ có biến động và nhiều rủi ro nên chủ động đẩy về phía người mua vàng.

Những biến động mạnh của giá vàng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư dễ gặp thua lỗ nếu nhảy vào đầu tư mua vàng ở thời điểm này. Cho nên với vàng, các chuyên gia nhận định, đây không phải là kênh đầu tư tốt hiện nay. Thay vì mua vàng theo hướng đầu tư, người dân chỉ nên mua vàng theo tập quán nắm giữ, tích trữ. 

Chứng khoán èo uột

Theo các chuyên gia, nhiều tháng qua và đến hiện tại, giao dịch trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, chỉ bằng 1/4 hay thậm chí nhiều phiên chỉ còn bằng 1/5 giá trị mỗi phiên so với năm trước. 

Nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân lớn đã rút một phần dòng vốn ra khỏi tài khoản chứng khoán khi thị trường liên tục đi xuống. Những người dù không rút hẳn thì cũng ít giao dịch, tiền để đó xem như chờ cơ hội đầu tư mới. Cũng có một số nhà đầu tư muốn rút tiền nhưng không được do danh mục đầu tư đang bị thua lỗ nặng, thậm chí có người còn phải bỏ thêm tiền vào tài khoản để trả nợ vay margin, duy trì cổ phiếu vì chưa đến thời điểm hợp lý để bán.

Nhìn chung, dòng tiền lớn không gia nhập thị trường cộng thêm thanh khoản èo uột khiến chứng khoán mất dần tính hấp dẫn. 

Gửi tiết kiệm lên ngôi

Gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay là kênh đầu tư thu hút dòng tiền lớn nhất khi mà các kênh khác đang "thất thế".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh an toàn nhất, khả quan nhất khi có ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến 9%/năm.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Toản cho rằng, với lãi suất huy động cao như hiện nay thì đa phần những người có tiền đều tính tới bài toán an toàn là gửi ngân hàng. Một số nhóm các nhà đầu tư có tiềm lực thì ôm tiền chờ cơ hội mua lại những tài sản bị bán tháo hoặc bị siết nợ.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng chia sẻ, với việc tăng lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng thương mại thì dòng vốn sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Trước đây có thể nhiều nhà đầu tư còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì lãi suất kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp. Nhưng nay, kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm nên nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn. "Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu tiền gửi của hệ thống ngân hàng thương mại đến hết tháng 6 đã gia tăng và tôi nghĩ số liệu này trong quý 3/2022 vẫn tiếp tục đi lên”, vị này nói.

Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng nhà nước về tiền gửi của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 6 số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi dân cư gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm 2021, đạt 5,84 triệu tỷ đồng). 

So với tháng 5, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 50.400 tỷ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng thêm hơn 318.000 tỷ đồng.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn