Bố mẹ chê trường xa, 38 học sinh Gia Lai chưa được tới lớp

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 08/09/2023 18:42:58 +07:00

Dù đã bước vào năm học mới nhưng hàng chục học sinh ở xã biên giới thuộc tỉnh Gia Lai vẫn chưa được phụ huynh đồng ý cho đi học vì… trường xa.

Hôm nay (8/9), 38 học sinh lớp 2 và lớp 4 trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã la Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn chưa được phụ huynh đồng ý cho tới lớp học. Các học sinh trên đều là con em của người dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nan.

Những năm học trước, con em trong độ tuổi tiểu học của người dân thôn Đức Hưng đều học tại điểm trường thôn. Từ năm học này, trường Tiểu học Cù Chính Lan thực hiện sáp nhập, dồn các lớp học. Trong đó, học sinh lớp 3 và 5 tại điểm trường thôn Đức Hưng tiếp tục học tại đây. Học sinh lớp 1, 2 và 4 sẽ chuyển ra điểm trường chính cách thôn Đức Hưng chừng 8 km để học.

Nhiều phụ huynh vẫn không đồng ý đưa con từ điểm trường thôn Đức Hưng ra điểm trường chính trường Tiểu học Cù Chính Lan để học.

Nhiều phụ huynh vẫn không đồng ý đưa con từ điểm trường thôn Đức Hưng ra điểm trường chính trường Tiểu học Cù Chính Lan để học.

Điều này vấp phải sự phản đối kịch liệt của phụ huynh. Họ cho rằng điểm trường thôn đã được xây kiên cố với 5 phòng học sạch đẹp. Hàng năm, phụ huynh cũng đóng góp kinh phí để mua nhiều thiết bị như quạt, tivi phục vụ cho con em học tập.

Đa số người dân là công nhân cao su, con em học ở điểm trường thôn sẽ giúp phụ huynh thuận tiện trong việc đưa đón, quản lý để có thể tập trung làm việc kiếm sống.  

"Tôi làm công nhân đi cạo mủ cao su từ 1 đến 3h sáng. Đi cạo về không thể kịp chuẩn bị cho các con ăn, chở các con đi học rồi về lại đi đổ mủ, đi đón con được. Chưa kể có những ngày học cả buổi chiều thì phải vài lượt đưa đón như vậy", bà Nguyễn Thị M, phụ huynh của 3 học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan nói.

Theo ông Phạm Văn Hảo, một người dân địa phương, người dân thống nhất với chủ trương dồn lớp của nhà trường và muốn con em có môi trường học tập tốt nhất. Tuy nhiên, đời sống người dân địa phương khó khăn, nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con cái.

Nếu thuê ô tô đưa đón thì mỗi cháu mất 600 nghìn đồng/tháng rất tốn kém mà lại lo lắng về an toàn giao thông. Hơn nữa, việc thông báo dồn lớp học quá gấp nên nhiều phụ huynh không kịp chuẩn bị, sắp xếp.

Theo thầy Tạ Quang Diệu - Hiệu trưởng trường Tiểu học Cù Chính Lan, năm học này, tại điểm trường thôn Đức Hưng có 7 học sinh lớp 1; 18 học sinh lớp 2; 24 học sinh lớp 4.

Với học sinh lớp 1, nhà trường đã thông báo đưa về điểm trường chính ngay từ khi nhận hồ sơ và phụ huynh chấp thuận. Với học sinh lớp 2 và lớp 4, nhà trường đã thông báo từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, qua 3 lần nhà trường cùng chính quyền xã, huyện họp để vận động nhưng đến nay phụ huynh vẫn chưa chấp thuận.

Do đó, ngày lễ khai giảng cũng chỉ có 4 học sinh lớp 4 đến dự và đi học. Còn lại 18 học sinh lớp 2 và 20 em lớp 4 đến nay vẫn chưa đi học.

Theo ông Diệu, việc sáp nhập các lớp 2 và 4 về trường chính là hợp lý vì học sinh sẽ được học trong ngôi trường khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ đơn. Nhà trường cũng giải được bài toán thiếu giáo viên.

"Các em không được đi học đúng ngày thì chúng tôi lo ngại sẽ bị ảnh hưởng đến việc học, tâm lý của các em. Tuy nhiên, qua nhiều lần vận động, phụ huynh vẫn không đồng ý", ông Diệu nói. 

Trong khi đó, ông Siu Luynh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ - cho biết, phụ huynh kiến nghị đưa ra trường Cù Chính Lan xa nên huyện đã đề nghị để các em đến học tại trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan), cách thôn Đức Hưng chừng 3 km nhưng các phụ huynh vẫn không đồng ý. 

Công an xã Ia Nan cũng đã liên hệ với đầu mối để thuê ô tô giúp, nhà trường cũng sẵn sàng cử giáo viên đi cùng trên xe để hướng dẫn các cháu thói quen đi an toàn.

"Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với các phụ huynh, đã đưa ra nhiều phương án để phụ huynh lựa chọn. Qua vận động, đã có nhiều phụ huynh đồng thuận cho con mình đi học trong những ngày tới", ông Siu Luynh nói.

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn