Năm học mới cận kề, phụ huynh gánh đủ loại phí, có người phải gửi con về quê học

Diễn đànThứ Hai, 07/08/2023 07:40:00 +07:00
(VTC News) -

Thời điểm con trẻ chuẩn bị bước vào năm học mới cũng là lúc các bậc phụ huynh ngổn ngang “trăm mối lo” mua sắm đồ dùng học tập, tiền học, quần áo... cho con.

Nhà có ba con năm học tới sẽ vào mầm non, lớp 6 và lớp 7, chị Phạm Thanh Thái (36 tuổi, Nam Định) cho biết, gia đình phải chuẩn bị hơn 10 triệu đồng cho các khoản đầu năm học gồm: mua sách giáo khoa, đồng phục mới, đồ dùng học tập...

“Hai vợ chồng đều là lao động tự do, thu nhập không ổn định, trong khi còn gánh trên vai khoản nợ làm nhà. Vì thế, lo việc học hành cho các con thực sự áp lực. Những ngày này, nhiều đêm tôi ngủ không nổi”, chị nói.

Chồng chị làm lái xe tải chuyên chở phân phối hàng hóa cho các tiệm tạp hóa, còn chị làm công nhân thời vụ ở gần nhà với mức lương ít ỏi, tổng thu nhập cả nhà chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng. Mỗi tháng, gia đình chị phải trích ra khoảng 3 triệu đồng trả nợ, số tiền còn lại chị chắt bóp tối đa mới tạm ổn. 

Chi phí đầu năm học là "mối lo" mất ăn mất ngủ với nhiều phụ huynh. (Ảnh minh họa: T.T)

Chi phí đầu năm học là "mối lo" mất ăn mất ngủ với nhiều phụ huynh. (Ảnh minh họa: T.T)

Để đủ chi phí sinh hoạt gia đình, tiền học cho con, chị Thái phải tranh thủ làm thêm việc vào buổi tối. Chị nhận đan lát các món đồ thủ công từ nguyên liệu lục bình. Mỗi sản phẩm thu về từ 20.000 - 50.000 đồng, nếu chăm chỉ, mỗi tháng chị "bỏ túi" vài triệu đồng, gọi là có thêm khoản tiền trang trải. Nhưng việc không đều, lúc có lúc không, thu nhập vì thế cũng rất bấp bênh.

Năm nay, các con chị đều không thuộc diện được miễn học phí, mọi khoản chi phí trở nên nặng gánh hơn. Chỉ tính riêng tiền đồng phục, quần áo đã "ngốn" mất hơn 3 triệu đồng, đó là chị chỉ dám sắm mới một ít đồ, còn lại tận dụng đồ cũ từ năm học trước, chưa kể đến tiền mua sách giáo khoa, vở viết, bút thước cũng mất một khoản kha khá nữa.

Ngoài tiền sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập, ngay đầu năm học, phụ huynh phải đóng thêm tiền xã hội hoá, phí vệ sinh, ăn bán trú, học thêm và một số khoản đóng góp khác. Vì thế, mùa khai giảng được nhiều người gọi là "mùa đóng góp".

"Năm nay chưa họp phụ huynh nên tôi chưa biết cụ thể các khoản cần đóng, nhưng dự tính phải chuẩn bị khoảng 10 - 15 triệu đồng thì mới lo cho các con được. Hai vợ chồng ngày nào cũng đi ra đi vào, nhìn nhau mà não lòng vì trăm thứ tiền phải lo", chị Thái kể thêm.

Chung hoàn cảnh, chị Hà Diễm My (31 tuổi, Hà Nội) đang “đau đầu” với các khoản tiền đầu năm cho hai con trai 4 tuổi và 6 tuổi. Con trai nhỏ của chị theo học trường mầm non tư thục tốn khoảng 4 triệu đồng/ tháng, chưa kể các khoản chi phí phát sinh khác. Chị My cũng dự chi khoảng 3 triệu đồng để chuẩn bị năm học mới cho con trai lớn vào lớp 1. 

"Có thể với nhiều bậc phụ huynh thì chi phí đầu năm học không phải là vấn đề quá to tát, nhưng với một nhân viên văn phòng lương 8 triệu đồng/tháng như tôi thì rất chật vật. Gia đình tôi còn phải đi thuê nhà, tiền trọ mỗi tháng cũng tiêu tốn một nửa lương rồi", chị My kể. 

Dù mong muốn các con đều có đồ dùng mới, song vì "trăm mối lo", chị My đành bấm bụng để con trai nhỏ sử dụng lại cặp sách, quần áo cũ của anh trai, tiết kiệm một phần chi phí.

"Con trai lớn vào lớp 1 trường công lập nên chắc chắn sĩ số sẽ đông hơn. Tôi cũng lo con khó hòa nhập được với môi trường, bạn bè vì tính tình khép kín", chị nói và kể thêm, cậu con trai nhỏ cũng thường xuyên "ốm vặt" khiến người mẹ này khó yên lòng.

Chị nhớ năm ngoái, trong ngày đầu làm quen với lớp mầm non, con trai sốt không dứt. Vợ chồng chị đưa con đến viện lúc nửa đêm. Hơn một tuần cậu con trai mới hết ốm, nhưng lại sút mất 1kg, người mẹ "buốt ruột gan".

"Năm học mới sắp đến, con chuẩn bị đi học, tôi lo lắm. Đợt này chồng tôi đang thất nghiệp, tiền tiết kiệm sắp cạn kiệt, lương của tôi không đủ trang trải", chị My nói.

Anh Nguyễn Xuân Đông (33 tuổi, Hà Tĩnh) phải chuyển trường cho hai con từ Bình Dương về quê học vì không giải quyết được bài toán tài chính. Trước đó, gia đình anh khăn gói "tha hương cầu thực" với mong muốn có cuộc sống đỡ cực nhọc, nhưng hiện tại, anh thừa nhận cả hai vợ chồng đã "kiệt sức".

"Vợ tôi làm công nhân, nếu không tăng ca thì chỉ được khoảng 5 - 6 triệu đồng/ tháng. Tôi là thợ xây nên thu nhập cũng không ổn định. Đầu năm nay, tôi bị tai nạn công trường, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, không đi làm đều đặn được như trước", anh nghẹn ngào nói về hoàn cảnh gia đình. 

Anh Đông quyết định nghỉ công việc thợ xây, mua xe máy trả góp để lái xe ôm. Đến nay, tiền mua xe vẫn chưa trả xong, lại "gánh" thêm khoản chi phí đầu năm học của hai con - con gái lớp 5, con trai lớp 2, vợ chồng anh không tài nào xoay sở kịp.

"Với mức thu nhập trung bình, để lo được cho hai con, vợ chồng tôi thực sự "hụt hơi", có quá nhiều khoản phải đóng. Gửi con về quê cho ông bà, tôi cũng rất lo vì con đang độ tuổi "ẩm ương", nhưng không còn cách nào khác", anh nói. 

Có thể thấy, khoản chi đầu năm từ khoảng 5 - 10 triệu đồng là chuyện bình thường với những gia đình khá giả, nhưng lại là gánh nặng mất ăn mất ngủ với hầu hết các phụ huynh không có điều kiện kinh tế vững vàng. Đặc biệt, với những cặp vợ chồng có hai, ba con cùng nhập học thì nỗi lo nặng càng thêm nặng. 

NHI NHI
Bình luận
vtcnews.vn