ADMM là thành tố quan trọng trong trụ cột chính trị - an ninh của ASEAN

Quân sựThứ Tư, 09/12/2020 22:48:31 +07:00
(VTC News) -

Đại tướng Ngô Xuân Lịch chỉ rõ, ADMM là thành tố quan trọng trong trụ cột chính trị - an ninh của ASEAN, tạo cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề chiến lược.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần thứ 7, chiều 9/12, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Chương trình Khách mời nước Chủ tịch theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chủ trì buổi lễ.

Phát biểu khai mạc Chương trình Khách mời nước chủ tịch, Đại tướng Ngô Xuân Lịch gửi lời cảm ơn Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và các khách mời đã ủng hộ Việt Nam tổ chức cuộc gặp này. Đồng thời khẳng định, đây là cơ hội tốt để các bên cùng trao đổi, để các khách mời hiểu hơn về ASEAN và các cơ chế hợp tác quốc phòng của ASEAN; để ASEAN hiểu hơn về sự quan tâm của các  khách mời, làm cơ sở để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

ADMM là thành tố quan trọng trong trụ cột chính trị - an ninh của ASEAN - 1

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu khai mạc Chương trình Khách mời nước chủ tịch. (Ảnh: Minh Tuấn)

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), ra đời năm 2006, đã đánh dấu sự khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN.

Sau khi được thiết lập, ADMM nhanh chóng trở thành thành tố quan trọng trong trụ cột Chính trị - An ninh của ASEAN. Cơ chế này tạo khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh và là nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên thực tế giữa quân đội các nước ASEAN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, qua 14 lần tổ chức ADMM, quan hệ hợp tác quốc phòng trong ASEAN từng bước được thúc đẩy mạnh mẽ. Ở cấp độ chiến lược, các nước cam kết không sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp, thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các Bộ trưởng để kịp thời xử lý các vấn đề nổi lên.

Đồng thời khuyến khích thiết lập các cơ chế phối hợp giữa lực lượng quân đội các nước trong ứng phó với các thách thức chung, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống, cũng như tăng cường hợp tác thực chất trong những lĩnh vực các nước ASEAN cùng quan tâm.

Theo đó, các hoạt động hợp tác đó không chỉ nâng cao năng lực đối phó với các thách thức chung ở khu vực, mà còn góp phần giúp ASEAN ngày càng gắn kết.

ADMM mang tính chất mở

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế thế giới, những thách thức đặt ra đối với châu Á – Thái Bình Dương, cũng là những thách thức của ASEAN. Vì vậy, bên cạnh ADMM, khu vực cần có một cấu trúc an ninh mang tính rộng mở hơn.

Với nhận thức như vậy, ngay từ khi thành lập, bên cạnh việc hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản được nêu trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, ADMM được xác định mang tính chất mở, linh hoạt và dung nạp trong quan hệ hợp tác với các nước bạn bè của ASEAN, trong đó có các nước đối tác đối thoại.

ADMM là thành tố quan trọng trong trụ cột chính trị - an ninh của ASEAN - 2

Dự chương trình Khách mời nước chủ tịch tại điểm cầu có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác. (Ảnh chụp màn hình: Minh Tuấn)

Trên cơ sở đó, vào năm 2010 tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã nhất trí thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) giữa các nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại (bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ).

Đây là dấu mốc lịch sử của ASEAN với việc hình thành một cơ chế hợp tác an ninh - quốc phòng nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực thông qua đối thoại cũng như các hoạt động hợp tác thực chất về quốc phòng và an ninh, xây dựng năng lực ứng phó với các thách thức an ninh chung trong khu vực. ADMM và ADMM+ có mối liên hệ chặt chẽ, luôn đan xen, bổ sung cho nhau, trong đó ADMM có vai trò trung tâm và định hướng.

Hiện hoạt động hợp tác thực chất trong ADMM+ được triển khai thông qua 7 Nhóm chuyên gia, bao gồm: Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa, An ninh biển, Quân y, Chống khủng bố, Gìn giữ hoà bình, Hành động Mìn nhân đạo và An ninh mạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng cho biết, thời gian qua ngày càng nhiều nước bạn bè và đối tác đối thoại của ASEAN bày tỏ mong muốn đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy an ninh và ổn định của khu vực thông qua các cơ chế hợp tác trong ADMM+.

ADMM đã thông qua nhiều tài liệu khái niệm, tài liệu bổ sung, hướng dẫn và các tài liệu khác để đáp ứng sự quan tâm ngày càng tăng đó, với mục tiêu cuối cùng là tăng cường cấu trúc an ninh khu vực mang tính mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật pháp quốc tế, với ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn