Xử phạt vi phạm hành chính: '2 tỷ vẫn quá nhẹ!'

Thời sựThứ Năm, 31/05/2012 06:32:00 +07:00

(VTC News) - ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) còn đề nghị, đối với tập thể, tổ chức thì mức phạt tiền nên theo tỷ lệ % giá trị mà tổ chức đã gây thiệt hại.

(VTC News) - ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) còn đề nghị, đối với tập thể, tổ chức thì mức phạt tiền nên theo tỷ lệ % giá trị mà tổ chức đã gây thiệt hại.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính

Mức phạt tiền nên theo tỷ lệ % giá trị thiệt hại

Quy định về mức phạt tiền (tối đa đến 1 tỷ đối với cá nhân và 2 tỷ đối với các cơ sở, tổ chức) đối với hành vi vi phạm hành chính trong dự luật còn nhiều ý kiến trái chiều, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa Vũng Tàu) đồng ý nâng tiền phạt và cho rằng đây không phải là biện pháp duy nhất để hạn chế vi phạm, nhưng nó rất quan trọng và rất có ý nghĩa, không chỉ là xử lý người vi phạm mà nó còn có tác dụng răn đe và phòng ngừa rất lớn.

ĐB Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định) cũng đồng tình về mức phạt tiền tối đa để đảm bảo tính răn đe nhất là đối với những người có thu nhập cao, tổ chức, doanh nghiệp cố tình vi phạm bất chấp pháp luật sẵn sàng chịu nộp phạt để đạt được mục đích cao hơn.

ĐBQH Đặng Thị Kim Chi (Ảnh: VNN) 
Thậm chí, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) còn đề nghị, đối với tập thể, tổ chức thì mức phạt tiền nên theo tỷ lệ % giá trị mà tổ chức đã gây thiệt hại. Bởi vì có một số hành vi vi phạm rất nặng như thải nước thải, chất độc hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm... mức độ nghiêm trọng rất lớn. “Cho nên xử phạt 2 tỷ vẫn quá nhẹ!”.

“Đề nghị cùng với việc xử phạt nặng thì còn phải áp dụng những biện pháp xử lý hành chính khác, ví dụ khi anh chở quá tải hành khách thì cùng với việc phạt thì cũng phải trả lại số tiền cho hành khác và buộc hành khác đó phải xuống xe để đón xe khác đi. Hoặc nếu chở quá tải số hàng thì cũng nên dỡ hàng hóa xuống như vậy mức răn đe nó mới cao” – ĐB Chi nói.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng mức phạt tối đa đến 1 tỷ đối với cá nhân và 2 tỷ đối với các cơ sở, tổ chức quy định trong dự thảo luật là quá cao.

“Phạt tiền cao không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm và còn dẫn đến tiêu cực. Tôi đề nghị cân nhắc tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực cho phù hợp, vừa đảm bảo tính răn đe, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, mức thu nhập của người dân hiện nay” – ĐB Nam nhận định.

Đưa người bán dâm vào đâu để giáo dục?

Một nội dung khác được các ĐB tập trung thảo luận nhiều là về quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.

ĐB Touneh Drong Minh Thắm cho rằng, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người bán dâm là nạn nhân do đó cần được quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ trở thành người lương thiện và cần được giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách, học nghề nhằm tạo cơ hội tốt nhất để họ hội nhập với cộng đồng.

Theo ĐB Thắm thì hiện chỉ có một mô hình trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội thuộc ngành lao động thương binh và xã hội thực hiện cả 2 chức năng chữa bệnh và giáo dục. Vì vậy, “nếu bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì sẽ đưa họ vào đâu để giáo dục? Như vậy chúng ta có đảm bảo trong tương lai người nhiễm HIV sẽ giảm? Tôi e rằng điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống HIV của nước ta” – ĐB Thắm lo ngại.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) gợi ý: “Nếu chúng ta không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì cũng nên lập ra một trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp, tạo điều kiện cho họ vào đấy 6 tháng, 1 năm, đào tạo nghề bằng giải pháp khác để cho người ta có điều kiện hoàn lương, chứ không nên thả ra như thế”.

Theo ĐB Minh thì hiện công an và các lực lượng khác ngày đêm đấu tranh lĩnh vực này, khi bắt được rồi mà thả ra thì giống như “phạt rồi cho tồn tại” là không nên.

Còn ĐB Đỗ Kim Tuyến (TP Hà Nội) băn khoăn về thực trạng số người bán dâm cũng có một số bị các bệnh xã hội, bị lây nhiễm HIV cần phải được chữa trị một cách cẩn trọng để trước hết vì mục đích cho cộng đồng và mục đích cho chính những người bán dâm này.

“Chúng tôi rất băn khoăn về việc đưa người bán dâm ra khỏi cơ sở chữa bệnh, tôi hiểu được ý kiến của một số ĐB cho rằng đối xử không nhân đạo với những người này nhưng vì lợi ích của cộng đồng cũng phải xem xét để xử lý một số vi phạm, trong Luật hình sự quy định đây là hành vi phạm tội, những vi phạm này là vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, đưa ra ý kiến trái chiều, ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) nhất trí với việc bỏ biện pháp quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh vì bản chất đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là tước quyền tự do, cách ly họ khỏi xã hội. “Việc xử lý như vậy là quá nghiêm khắc và không cần thiết”.

ĐB Nam đề nghị cần tìm ra biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này, tránh các tệ nạn mại dâm bùng phát, ảnh hưởng xấu đến những mặt đời sống của xã hội, đặc biệt đối với những người bán dâm mắc bệnh lây truyền cần có biện pháp phòng ngừa, khám chữa bệnh cho họ, tránh để lây lan dịch bệnh ra ngoài xã hội.

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn