Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Nhiều người coi quyền lực của Đảng như của mình

Thời sựThứ Ba, 26/12/2017 08:08:00 +07:00

Nhiều người coi quyền lực của Đảng và Nhà nước như của mình nên mới có chuyện sử dụng quyền lực được Nhà nước giao như là tài sản riêng của bản thân, rồi ban phát, xin- cho, đưa người nhà, người thân vào.

Giao ban các tổ chức chính trị-xã hội sáng 25/12, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được mời phát biểu, trao đổi về tinh giản biên chế và kiểm soát quyền lực.

Đây là những nội dung chính, nóng bỏng, gắn với nhiều nghị quyết, quy định mà trung ương mới ban hành từ sau Đại hội XII.

Quyền lực phải được kiểm soát

Về kiểm soát quyền lực, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lưu ý Đại hội XII đặt ra hai vấn đề mới là nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng Đảng về đạo đức. “Hai cái này chung quy lại cũng là vấn đề kiểm soát quyền lực” - ông nói.

Không nhắc cụ thể các vụ việc mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua đã kiên quyết xử lý sai phạm của cán bộ lãnh đạo, bất kể cấp cao hay đã nghỉ hưu nhưng ông Chính cho rằng để xảy ra những vụ việc ấy cũng là do quyền lực không được kiểm soát.

“Quyền lực giao cho lãnh đạo rất lớn nhưng không được kiểm soát. Người được giao quyền lực cũng không tự kiểm soát và người giao cũng không kiểm soát” - ông phân tích.

Nhiều người coi quyền lực của Đảng như của mình - ảnh 1

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Chính, để giải quyết bài toán này, đầu tiên phải hoàn thiện quy định, quy chế. Từ đầu khóa đến giờ, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng 7-8 quy định mới thay thế cho các quy định cũ về công tác cán bộ.

Mới đây nhất là Quy định 105, trong đó phân cấp rõ ràng thẩm quyền về công tác cán bộ, đồng thời xác định luôn trách nhiệm của cơ quan tham mưu thế nào, cơ quan thẩm định ra sao, trách nhiệm của cơ quan quyết định thế nào. Chứ như trước đây, có việc lỗi mà không tìm ra được trách nhiệm hoặc trách nhiệm không rõ.

Ngoài ra, cần làm rõ hơn về phân cấp quản lý cán bộ. “Trước đây, Ban Tổ chức Trung ương phải xem xét 12.000 cán bộ cấp tỉnh ủy viên và hơn 2.000 cán bộ thường vụ cấp ủy. Nhiều như thế thì sao làm hết được, thành ra chỉ là hợp thức hóa.

Đúng thì không sao nhưng nếu có sai thì là hợp thức hóa cho cái sai. Người tốt mà cố tình viết xấu thì mình cũng chỉ hợp thức cái xấu chứ mình làm sao mà nắm hết. Xấu mà viết thành tốt thì mình cũng khó biết và phát hiện ra” - ông Chính cho biết.

Người đứng đầu mà tốt thì…

Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, các quy định mới về công tác cán bộ có nhiều sửa đổi, bổ sung, chẳng hạn như quy trình cán bộ thay đổi từ ba bước lên năm bước.

“Có người nói: Quy định như thế thì vai trò của người đứng đầu ở đâu? Nói thật, nếu người đứng đầu mà tốt thì không cần quy định gì cả, người ta tự suy nghĩ để có cách làm đúng đắn. Nhưng vì còn có nhiều người không tốt nên mình phải xây dựng quy định để giám sát”.

Theo ông Chính, có nhiều việc phải tiếp tục làm để kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả, trong đó quan trọng nhất là phải tăng cường công khai, minh bạch.

“Tại sao đưa con, cháu, chắt nhà mình vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình? Thực tế có phải quyền lực của mình đâu, mà mình chỉ được giao chức vụ, giao quyền đó để thay mặt Nhà nước, tổ chức. Nhưng nhiều người cứ coi như là quyền của mình rồi ban phát, xin-cho, đưa người nhà, người thân vào”.

Ông Chính nói: “Cái này thấm thía lắm. Chúng tôi mong muốn MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường nắm bắt tình hình, phản ánh về công tác cán bộ, cùng tham gia thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực. Không để cán bộ, lãnh đạo quản lý sử dụng quyền lực được Nhà nước giao như là tài sản riêng của bản thân”.

Video: Góc nhìn khác về cả nhà làm quan

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn