World Bank: Sản xuất công nghiệp, bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng trong tháng 8

Thị trườngThứ Hai, 18/09/2023 20:21:00 +07:00
(VTC News) -

Theo World Bank, cả chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đều tăng nhẹ song chưa bằng giai đoạn trước dịch COVID-19.

Báo cáo tháng 8 năm 2023 của World Bank cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 2,6% (so với cùng kỳ) trong tháng 8, do sản xuất công nghiệp cho tiêu dùng nội địa tiếp tục được mở rộng, đồng thời hoạt động xuất khẩu hàng tháng cũng tăng nhẹ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2023.

Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tăng 7,6% (so cùng kỳ) trong tháng 8, so với mức 5,1% (so cùng kỳ) trong tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch COVID-19 (11 – 12%). Trong khi doanh số bán hàng hóa tăng nhẹ thì doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phần lớn là do sự mở rộng của dịch vụ du lịch và khách sạn.

World Bank cho biết, tăng trưởng tín dụng  tăng từ mức 9,0% (so cùng kỳ) trong tháng 7 lên 9,4% (so cùng kỳ) vào tháng 8 năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã ghi nhận trong giai đoạn trước đại dịch và vẫn dưới mức trần tín dụng định hướng hàng năm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra cho 2023 (14%). 

Theo World Bank, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đều tăng nhẹ.

Theo World Bank, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đều tăng nhẹ.

Theo World Bank, mức tăng trưởng tín dụng này là thấp, bất chấp 4 đợt cắt giảm lãi suất chính sách và lãi suất tiền gửi/cho vay của NHNN trong giai đoạn từ 3 đến tháng 6 và thanh khoản thị trường dồi dào - phản ánh đầu tư khu vực tư nhân tiếp tục yếu, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản và niềm tin của nhà đầu tư yếu.

Trong khi, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục giảm lần lượt 7,3% (so cùng kỳ) và 8,1% (so cùng kỳ) vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, hoạt động xuất - nhập khẩu hàng tháng đã được cải thiện liên tục kể từ tháng 5, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu đã có thể đã chạm đáy.

Cũng theo báo cáo, lạm phát tính theo CPI tăng từ mức 2,1% (so cùng kỳ) trong tháng 7 lên 3,0% (so cùng kỳ) trong tháng 8, đảo ngược xu hướng giảm trong 6 tháng liền kề trước đó, trong đó thực phẩm và nhà ở tiếp tục là hai nguyên nhân chính.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn