Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei

Tư liệuThứ Ba, 22/12/2020 08:52:00 +07:00
(VTC News) -

Thời điểm quốc kỳ tung bay ở Brunei trong lễ kết nạp thành viên thứ 7 ASEAN là lúc mở ra con đường hội nhập khu vực, khẳng định mình, vươn ra thế giới của Việt Nam.

Nhận trọng trách trao lá cờ Việt Nam cho Tổng thư ký ASEAN Ajit Singh tại lễ kết nạp ngày 28/7/1995, ông Đỗ Ngọc Sơn không khỏi lo lắng. Vụ trưởng vụ ASEAN khi đó lo sợ một cú vấp chân, một lần đi sai nhịp sẽ phá hỏng thời khắc long trọng này.

Cuối cùng, ông Sơn cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình trọn vẹn.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 1

Lá cờ Việt Nam tung bay bên cạnh cờ ASEAN. (Ảnh: Vietnamplus)

Vào buổi chiều cách đây gần 25 năm, ngay tại sân rộng trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan, ông Sơn nâng hai tay lá cờ Việt Nam, đi đến trao cho ông Singh. Tổng Thư ký ASEAN sau đó trao cho viên sĩ quan chỉ huy Đội danh dự kéo lá cờ lên cao.

Ngước nhìn lá cờ Việt Nam tung bay trên nền trời xanh ở Brunei cùng tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, ông Sơn không giấu nổi xúc động cùng cảm giác tự hào sau những ngày tháng nỗ lực không biết mệt mỏi.

Đây không chỉ là khoảnh khắc không thể quên trong sự nghiệp ngoại giao của nguyên Vụ trưởng, mà còn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Việt Nam trong khu vực.

Nhưng để có được khoảnh khắc đó là cả một quá trình phấn đấu trong nhiều thập kỷ, một quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa Việt Nam trở thành tiếng nói có trọng lượng ở Đông Nam Á.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 2

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, trước bối cảnh khu vực và quốc tế lúc bấy giờ, ASEAN chỉ có 5 thành viên và bắt đầu tính tới chuyện mở rộng.

ASEAN manh nha ý định để các nước Đông Dương tham gia vào Hiệp hội. Nhưng ý định đó mới dừng lại ở ý tưởng. Có quá nhiều rào cản ngăn nó trở thành hiện thực.

Thời điểm ấy, Mỹ rút khỏi Đông Dương và để lại khoảng trống quyền lực, ASEAN lo sợ việc kết nạp Việt Nam sẽ đi kèm với mối đe dọa về an ninh. Tư duy ý thức hệ lúc này vẫn còn chia thành xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Chuyện các nước với ý thức hệ khác nhau cùng tham gia một hiệp hội là không khả thi.

Sự đối đầu của tam giác Xô-Trung-Mỹ trong Chiến tranh Lạnh cũng như cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam khi đó tạo ra những chia rẽ sâu sắc trong Đông Nam Á.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 3

Cựu Vụ trưởng vụ ASEAN Đỗ Ngọc Sơn cầm trên tay quốc kỳ Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

ASEAN cũng có những lo lắng nhất định về khoảng cách kinh tế khi các thành viên ban đầu tổ chức đã là những nước đi đầu về kinh tế. Việc mở rộng thêm thành viên là Việt Nam - lúc đấy còn đang gặp rất nhiều khó khăn - làm dấy lên lo ngại sẽ kìm hãm bước phát triển của khối. Không ít người lo ngại thành viên mới như Việt Nam có thể sẽ gây xáo trộn, mất cân bằng trong một tổ chức đã có độ kết dính và hài hòa nhất định.

Việt Nam bấy giờ cũng chưa có ý định tham gia ASEAN. Bởi sau cuộc chiến với Mỹ, di chứng chiến tranh vẫn còn rất nặng nề. Cộng thêm với đó là định kiến nhiều nước đồng minh của Mỹ ở ASEAN đã hỗ trợ Washington điều quân, cung cấp căn cứ quân sự trong chiến tranh ở Việt Nam.

Bản thân ASEAN lúc đó vẫn còn non trẻ. Kinh tế toàn khối kém phát triển, chưa có gì nổi trội, chưa có hấp dẫn với Việt Nam và cũng không có khả năng hỗ trợ kinh tế Việt Nam sau chiến tranh, không giúp chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài.

Những nhận định về ASEAN như vậy khiến việc đặt ra ý định tham gia hiệp hội rất khó khăn. Dù vậy, trong khoảng thời gian từ 1975-1978, một số nước ASEAN đã bắt đầu thiết lập quan hệ với Việt Nam.

Nhưng mọi chuyện trở nên khó khăn khi vấn đề Campuchia bắt đầu nảy sinh từ năm 1978.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 4

Cuối năm 1978, đầu năm 1979, Việt Nam cử quân tình nguyện sang giúp Campuchia giải phóng khỏi thảm hoạ diệt chủng Pol Pot. Nhưng nhiều nước ASEAN - giống như không ít quốc gia trên thế giới - có nhìn nhận sai lầm về sự kiện này.

Họ lấy lý thuyết "Việt Nam xâm lược", lo ngại thuyết domino khiến các nước “đổ theo” Campuchia để đối phó với Việt Nam lúc đó rất mạnh về mặt quân sự sau khi đánh thắng Mỹ.

Từ lập trường đối thoại, các nước ASEAN chuyển sang tâm lý đối đầu và ý định cô lập Việt Nam. Họ cùng chia sẻ nỗi lo về sức mạnh quân sự của Việt Nam, lo sợ phong trào cộng sản sẽ lan rộng và phủ lấp Đông Nam Á. Chưa kể phong trào cộng sản ở Malaysia, Thái Lan khi đó còn rất mạnh.

Theo ông Sơn, vấn đề Campuchia từ đó trở thành chất kết dính ASEAN trong suốt hơn một thập kỷ. Họ trở thành một thể thống nhất, đưa khối trở nên vượt trội.

Trong khi đó, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn suốt thời gian này. Chúng ta rơi vào thế bị cô lập, vừa phải đối phó khi Trung Quốc xúi giục Khmer Đỏ tấn công biên giới Tây Nam, vừa phải gồng mình đương đầu với những khó khăn về kinh tế trong nước do bị Mỹ bao vây cấm vận. Chỉ tính riêng trong 4 năm (từ 1975-1978), Việt Nam đã phải trải qua 2 lần đổi tiền.

Năm 1978, trong chuyến công du tới hàng loạt các quốc gia châu Á, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Singapore, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nhiều lần mang Hiệp ước hữu nghị Xô-Việt ra để hù dọa các nước láng giềng rằng đây là mối đe dọa cho hòa bình và ổn định Đông Nam Á. Kể từ đó, thái độ của các nước ASEAN với Việt Nam có những chuyển biến theo hướng tiêu cực. Nỗi lo về “làn sóng cộng sản” lại tiếp tục nổi lên. Việt Nam bị nhìn nhận như một mối đe dọa trong khi một số nước ASEAN cố xích lại gần Trung Quốc.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 5

Tiêu binh Brunei chuẩn bị kéo quốc kỳ Việt Nam trong lễ kết nạp ngày 28/7/1995. (Ảnh: TTXVN)

Môi trường quốc tế lúc đó diễn biến hết sức phức tạp. Liên Xô sụp đổ năm 1991 dẫn tới các khoản viện trợ cho Việt Nam giảm dần rồi cắt hẳn. Sự sụp đổ của Liên Xô cũng tác động sâu rộng tới toàn bộ quan hệ quốc tế. Vấn đề ý thức hệ sau sự kiện này cũng không còn như trước. Các nước lớn đều phải điều chỉnh chính sách chiến lược.

ASEAN cũng tương tự.

Khi Liên Xô sụp đổ, sự hiện diện của Liên Xô ở Việt Nam giảm, mối lo về phong trào cộng sản không còn mạnh như trước. Liên Xô không còn cũng khiến cục diện tam giác chiến lược Xô-Mỹ-Trung vốn chi phối tình hình ở Đông Nam Á thay đổi.

Bắc Kinh vốn coi Liên Xô là rào cản trong nỗ lực khống chế ASEAN khi đó như nhổ được cái gai trong mắt. Trung Quốc và một số nước ngoài khu vực tận dụng thời điểm này cũng như sợi dây đoàn kết đứt quãng ở Đông Nam Á để nhảy vào và tìm kiếm những lợi ích nhất định.

Lúc này, các lãnh đạo ASEAN hiểu rằng, điều quan trọng là phải xây dựng một tập thể đoàn kết để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài thay vì trở thành khu vực bị các nước lớn chi phối. Dù không mạnh mẽ, vài quốc gia trong khối cố gắng theo đuổi một phần tiền đề khi xây dựng ASEAN là tạo ra một khu vực trung lập, tự do trước nguy cơ can thiệp từ nước ngoài.

Các nước ASEAN cũng nhận thấy rằng việc cô lập Việt Nam thậm chí phản tác dụng và việc kết nạp Việt Nam còn thúc đẩy cho mục tiêu trung lập hóa khu vực.

Cả Hiệp hội và Việt Nam đều nhận ra, đây là lúc các nước Đông Nam Á cần xích lại với nhau, thể hiện tiếng nói của riêng mình, đồng thời tránh sự can thiệp từ bên ngoài. Điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu này là vấn đề Campuchia cần phải được giải quyết.

Năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới. Tư duy đối thoại mới hình thành, cách nhìn nhận với ASEAN cũng đã có chuyển biến.

Tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội năm 1986, chúng ta xác định phải tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á. Chưa đầy 1 năm sau, tháng 8/1987, trong cuộc gặp tại TP.HCM giữa Việt Nam với Indonesia - đại điện ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khi đó tuyên bố Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia theo 2 giai đoạn, chậm nhất là năm 1990, đồng thời bày tỏ nguyện vọng muốn gia nhập ASEAN.

Ông Sơn nhận định, đây là tín hiệu đầu tiên mà Việt Nam phát đi về việc muốn trở thành một thành viên của Hiệp hội.

Sau khi Việt Nam bày tỏ ý định này, các nước trong ASEAN cũng phản ứng rất tích cực. Tín hiệu rõ ràng nhất là từ chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Suharto năm 1990. Trong chuyến thăm, ông Suharto đánh tín hiệu về việc Việt Nam có thể gia nhập ASEAN.

Việt Nam rất nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội này, tìm cách giành được sự ủng hộ nhiều hơn nữa của các quốc gia thành viên. Chúng ta tiến hành các hoạt động ngoại giao song phương, thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là giai đoạn 1991-1994.

Ngoại giao với các nước tiến triển là vậy, kinh tế trong nước cũng đã có những bước khởi sắc. 1990 đánh dấu năm đầu tiên nước ta xuất khẩu gạo với sản lượng đạt 1 triệu tấn.

Những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đó tạo cho Việt Nam nền tảng vững chắc trong giai đoạn đánh tiếng chuẩn bị gia nhập ASEAN.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 6

Trong bối cảnh thế giới và khu vực thay đổi, chúng ta buộc phải thay đổi mình, hòa nhập với khu vực. Bởi không đổi mới sẽ chết. Ông Sơn ví việc gia nhập ASEAN trong bối cảnh bấy giờ như chuyến thoát hiểm của Việt Nam khỏi tình thế khó khăn những năm 1980, thoát ra khỏi khủng hoảng, cấm vận, cô lập.

Khi mở cánh cửa bước vào ASEAN, Việt Nam cũng đồng thời tự mở ra cho mình cánh cửa hội nhập với thế giới. Hay nói cách khác, muốn hòa nhập với thế giới, việc đầu tiên cần làm là gia nhập ASEAN. Và những kết quả sau đó cho thấy đây là quyết định cực kỳ đúng đắn và cấp thiết.

Giai đoạn Việt Nam chuẩn bị gia nhập ASEAN đã có những tác động mạnh mẽ tới các nước lớn trên thế giới. Năm 1990, Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1991, chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Năm 1994, Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Chỉ vài tháng trước lễ kết nạp, Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, mở ra chương mới trong lịch sử giữa 2 nước.

Vào thời điểm trước khi gia nhập ASEAN, GDP của nước ta chỉ rơi vào khoảng 6-7 tỷ USD/năm. Nhưng sau khi được kết nạp, GDP của chúng ta tăng đều mỗi năm.

Nguyên Vụ trưởng ASEAN Đỗ Ngọc Sơn đã đau đáu trong lòng khi vào năm 1990, Philippines công bố xuất khẩu 30 tỷ USD. Suy nghĩ trong ông lúc bấy giờ là không biết Việt Nam tới khi nào mới đạt được con số này. Nhưng chỉ tới năm 2005, tức 10 năm sau khi gia nhập Hiệp hội, chúng ta đã vươn tới con số này.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 7

Thực tế hiện nay cho thấy lợi ích từ việc gia nhập ASEAN cực kỳ rõ ràng. Nhưng nếu nhìn ngược trở lại thời điểm cách đây gần 3 thập kỷ, chúng ta mới thấy hết những quyết tâm và bản lĩnh của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta khi đó bởi không ít những ý kiến trăn trở với nỗi lo “hòa nhập” hay “hòa tan”.

Lúc bấy giờ, Việt Nam mới chỉ bước vào công cuộc đổi mới được 4 năm, những chính sách bao vây cấm vận cũng chỉ vừa được dỡ bỏ. Chúng ta lại là người đến sau trong một Hiệp hội 28 năm tuổi đời với những nước thành viên có nền kinh tế rất phát triển.

Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei - 8

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Phiên bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Chưa kể, khi gia nhập Hiệp hội, Việt Nam phải cam kết tôn trọng những thỏa thuận hợp tác mà các nước thành viên cũ đưa ra trên hàng loạt lĩnh vực. Nhiều người lo ngại Việt Nam hội nhập sẽ ảnh hưởng tới thể chế chính trị hoặc các nguyên tắc trong ASEAN có thể ảnh hưởng tới nguyên tắc chủ quyền của Việt Nam.

Các nước có quan hệ với Việt Nam khi đó cũng lo Việt Nam sẽ mất đi bản sắc nếu gia nhập vào ASEAN hoặc ta sẽ xao nhãng quan hệ với họ khi trở thành một thành viên của Hiệp hội.

Ông Sơn kể lại, trong lần tiếp tham tán đại sứ quán một nước châu Âu, người này nhắc khéo ông: “Xin nhắc ông Vụ trưởng là Việt Nam thuộc khối nói tiếng Pháp đó nhé”. Trong khi đó, ASEAN là khối nói tiếng Anh.

Một lần khác dùng cơm với vị tham tán đại sứ quán một nước châu Á, nhà ngoại giao này cũng đề cập tới chuyện “Việt Nam thuộc nhóm văn hóa cầm đũa”. Trong khi đó, một số nước trong ASEAN có văn hóa dùng tay khi ăn, đặc biệt là các nước coi đạo Hồi là quốc đạo.

Thời điểm đấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam cũng còn rất non trẻ. Nhiều doanh nghiệp không giấu diếm lo ngại việc gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực hoặc họ sẽ bị hụt hơi vì không thích ứng kịp với cơ chế mới.

Nguyên Vụ trưởng Vụ ASEAN kể lại chuyện một hiệp hội tiêu dùng từng mời ông tới để nói chuyện về AFTA.

Các doanh nghiệp ý thức như vậy, có thể thấy ý thức của cả nước ta lớn tới như thế nào”, ông Sơn chia sẻ. Nếu lúc ấy chúng ta chùn một bước thôi, mọi chuyện sẽ rất khác. Sẽ không thể có khoảnh khắc lá cờ tung bay ở Brunei năm 1995 hay Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội 3 năm sau đó.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đứng ra đăng cai một sự kiện lớn của ASEAN và cũng là lần đầu tiên một chương trình nghị sự quốc tế lớn được tổ chức ở nước ta.

Thời điểm đó, việc kết nạp Campuchia còn đang gây khá nhiều tranh luận trong nội bộ khối. Nhưng Việt Nam với tư cách nước chủ trì Hội nghị vẫn kiên định với đề nghị kết nạp Campuchia vào ASEAN. Cuối cùng, sau những nỗ lực của Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Hà Nội năm 1998 tuyên bố kết nạp Campuchia. Lễ kết nạp được tổ chức 1 năm sau đó.

Sự kiện này chứng minh Việt Nam đã thực sự là tiếng nói tích cực, có trọng lượng, có thể đảm đương và đóng góp tích cực cho ASEAN.

Ở Hà Nội, trong những ngày đông năm 1998, lá cờ đỏ sao vàng tung bay cùng quốc kỳ của 8 quốc gia thành viên khác của ASEAN trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6. Từ Begawan tới Hà Nội, hình ảnh quốc kỳ của chúng ta tung bay như minh chứng cho một Việt Nam bản lĩnh, gạt bỏ mọi rào cản để trở thành mà cột trụ không thể thiếu trong ngôi nhà ASEAN.

Năm 2020, nước ta lần thứ 2 trở thành nước Chủ tịch ASEAN, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. VTC News xin gửi đến quý độc giả tuyến bài viết tìm hiểu về chặng đường này qua góc nhìn của các nhà ngoại giao cũng như điểm lại các dấu mốc lịch sử quan trọng.

Bài tiếp theo: Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn