Vì sao lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Bắc?

Tin nóngThứ Năm, 10/08/2023 12:28:57 +07:00

Vì sao lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và giải pháp hạn chế thiệt hại là trăn trở của các địa phương còn nhiều khó khăn này.

Mưa lớn gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 11 người dân tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La trong trận mưa kéo dài nhiều ngày qua.

Bên cạnh đó, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng trăm ngôi nhà hư hỏng, giao thông ách tắc, hệ thống điện và thông tin liên lạc gián đoạn, các công trình công cộng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ngày càng khó lường

Mưa lớn với cường độ cao được nhiều người nhận định là nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ ống, lũ quét trong những ngày qua. Theo đó, từ 1-6/8, tại tỉnh Sơn La tổng lượng mưa phổ biến 100 - 400mm/đợt; cá biệt có nơi mưa rất to như: Chiềng Lao lên tới 476mm, Tạ Bú 407mm, Mường La 401mm...

Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), lượng mưa tính từ 19h ngày 4/8 đến 13h ngày 7/8 ở một số nơi cũng rất cao như: Lao Chải 306,4mm; Mồ Dề 2: 222,8mm; Kim Nọi 1: 206,0mm; Chế Tạo 225,6m... 

Xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tan hoang sau lũ quét.

Xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tan hoang sau lũ quét.

Mưa lớn ở nơi có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh, lớp phủ thực vật thưa đã tạo nên lũ ống, lũ quét có sức tàn phá lớn, cuốn phăng mọi vật cản trên đường, trong đó có nhà cửa, công trình, cây cối.

Ông Mùa A Dê ở bản Trống là, xã Hồ Bốn kể, thời điểm xảy ra lũ tối 5/8, gia đình đang ăn cơm. Khi nghe thấy hàng xóm hô hào, cả nhà không kịp mang gì ngoài việc bế con cháu chạy lên trên cao và rất may mắn là cả 7 thành viên trong gia đình đều an toàn. Ngôi nhà xây chắc chắn và tài sản trị giá mấy trăm triệu của gia đình thì trong chớp mắt đều bị lũ cuốn đi.

"Tôi đã bảo vợ bế các cháu chạy lên trên rừng. Khi chạy dù không thấy con đường nào nhưng vẫn cố gắng chạy để tránh bị sạt lở vào người", ông Dê nhớ lại.

Ông Lường Gia Uynh ở bản Khiết, xã Tà Mung cũng bàng hoàng kể lại, khoảng 3h ngày 6/8, khi cả bản còn đang yên giấc thì tiếng uỳnh uỳnh của đá hộc, xen lẫn là tiếng réo của nước lũ từ đầu nguồn đổ về làm ông thức giấc. Chạy ra cửa nhà nhìn về phía dòng suối, ông thấy nước lớn ầm ầm đổ về, bèn lập tức gọi cả nhà thức dậy và chạy lên núi để lánh nạn.

"Ở bản Khiết này từ lâu nay cũng có lũ lụt hàng năm, nhưng các năm trước đây chỉ có lũ ít, chỉ vào bản một ít thôi. Nhưng mà năm nay là năm kỷ lục lũ to, ảnh hưởng rất lớn. Một số nhà ở cạnh đường cũng bị ngập, bùn vào tới tận nhà, ngập hết cả nhà", ông Uynh cho biết thêm.

Ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên cho biết, yếu tố địa hình cũng là nguyên nhân gây lũ. "Lưu lượng nước dồn về quá lớn. Ở xã có 2 nguồn suối, từ trên huyện đổ xuống và từ Mù Cang Chải đổ về", ông Thắng phân tích.

Một trong những nguyên nhân thiên tai gây thiệt hại lớn là do ở vùng cao bà con thường san gạt mặt bằng dưới chân đồi núi để xây dựng nhà cửa. Khi mưa lớn xảy ra, gây sạt lở, kéo đất từ ta luy dương sau nhà và từ trên đồi cao ùn ùn đổ xuống không kịp trở tay.

Các địa phương Tây Bắc đang tiếp tục rà soát các hộ sống trong vùng nguy hiểm, sạt lở để di dời đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài.

Các địa phương Tây Bắc đang tiếp tục rà soát các hộ sống trong vùng nguy hiểm, sạt lở để di dời đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài.

Chị Quàng Thị Ngân ở xã Nặm Păm, huyện Mường La (Sơn La) cho biết:  "Lúc 4h mưa to, 6-7h bắt đầu sạt lở, mình mới chạy ra ngoài. Mình rất lo sợ, sợ sạt cả đồi, đẩy nhà xuống dưới. Chồng đi làm chưa về, mỗi mình ở nhà chỉ biết ngồi ôm con khóc thôi, không biết làm thế nào. May mắn lúc đấy người dân, họ hàng đã đến rồi hỗ trợ chuyển đồ đạc ra ngoài".

Còn theo ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La thì Viện Địa chất Trung ương từng chỉ ra nguyên nhân của sạt lở đất tại Mường La: "Địa hình miền núi, đồi đất đá xen kẹp, đất đá phong hóa và đã bị nhàu nát do địa chất lâu năm, việc mưa  dài ngày đã ủ nước trên các triền dốc có địa chất phong hóa đó, khi có một trận mưa lớn trong cường độ thời gian ngắn thì sẽ gây sụt sạt là rất lớn xảy ra".

Rừng mất nhiều ở Tây Bắc suốt mấy chục năm qua cũng có thể coi là một nguyên nhân khiến tình trạng mưa lũ trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn. Rừng mất gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, rừng thời gian gần đây có tăng diện tích, đồi núi trọc giảm dần, nhưng các năm qua nước ta vẫn bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng do rừng trồng phòng hộ chất lượng, số lượng chưa đảm bảo; một số nơi rừng phòng hộ tự nhiên bị chặt phá, khai thác bừa bãi nên không duy trì được cấu trúc tự nhiên, giảm thiểu khả năng phòng hộ.

Sạt lở đất do mưa lũ đã khiến hàng trăm hộ dân mất nhà.

Sạt lở đất do mưa lũ đã khiến hàng trăm hộ dân mất nhà.

Phương án nào "sống chung" với lũ quét, sạt lở đất?

Đối diện với nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường trực bao năm qua, không ít người dân đã được trang bị những kỹ năng cần thiết, trong đó có việc chú ý quan sát diễn biến thời tiết để chủ động phòng ngừa.

Chị Giàng Thị Khua, người dân bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải cho biết, khoảng 19h ngày 5/8, cơn lũ đột ngột về nhưng nhờ chủ động quan sát nên chị cùng 5 người thân trong gia đình và hàng xóm đã chạy thoát khỏi cơn lũ dữ. Mất hết nhà cửa, tài sản nhưng mọi người vẫn cảm thấy rất may mắn khi kịp chạy thoát.

"Bố mẹ cũng rất quan tâm, liên tục quan sát, đến lúc nghe thấy tiếng lũ to dần, to dần lên thì cả nhà đã sẵn sàng chạy", chị Khua kể

Chị Giàng Thị Khua ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cảm thấy rất may mắn khi cả gia đình kịp chạy thoát khi lũ về.

Chị Giàng Thị Khua ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cảm thấy rất may mắn khi cả gia đình kịp chạy thoát khi lũ về.

Ông Trần Anh Văn, Phó Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, để hạn chế thiệt hại, ngoài kiến thức, kinh nghiệm của người dân thì các cấp, ngành cần làm tốt công tác cảnh báo về diễn biến thời tiết: "Khi mà nhận được những cảnh báo về diễn biến thời tiết phức tạp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh thì huyện và xã truyền tải toàn bộ thông tin cảnh báo xuống các thôn để thông báo đến người dân".

Vấn đề di dời dân đến các khu vực an toàn đều được các địa phương chú trọng rà soát, thực hiện trong thời gian qua, và khi mưa lũ, sạt lở đất có chiều hướng ngày càng phức tạp thì công tác này sẽ còn phải được làm quyết liệt hơn trong những năm tới.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nói: "UBND huyện và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện cũng đã ban hành các văn bản, công điện chỉ đạo UBND các xã chỉ đạo bà con nhân dân di dời ngay người và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm có nguy cơ sạt lở. Đồng thời các lán nương của các hộ gia đình đã bị đất lở vào hoặc đã đổ sập thì không ngủ lại, sơ tán về nơi an toàn".

Sau lũ, ruộng của bà con nông dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chỉ còn là bãi bùn đất.

Sau lũ, ruộng của bà con nông dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chỉ còn là bãi bùn đất.

Theo ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, trước mắt để khắc phục, hỗ trợ những gia đình bị mất nhà, địa phương bố trí các địa điểm an toàn như trường học, nhà văn hóa để đưa các hộ đó đến ở.

"Giao cho địa phương, cụ thể là xã là lo ăn ở cho bà con, đảm bảo trong thời gian mà Nhà nước sẽ có phương án đầu tư xây dựng các địa điểm mới cho con, có nơi ăn ở ổn định đời sống", ông Thịnh cho biết.

Đây cũng là giải pháp bước đầu mà Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang chia sẻ trong những ngày khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ này: "Trước mắt là tập trung tìm quỹ đất để bố trí tái định cư đối với 22 hộ dân bị mất nhà hoàn toàn. Đến nay sau khi họp, vận động thì đã có 4 hộ xác định được địa điểm cụ thể, còn lại các hộ khác thì sẽ tiếp tục rà soát trong 1-2 ngày tới, cấp tốc triển khai trong thời gian nhanh nhất".

Người dân vùng lũ Than Uyên chưa hết bàng hoàng với trận lũ lớn đổ về.

Người dân vùng lũ Than Uyên chưa hết bàng hoàng với trận lũ lớn đổ về.

Số liệu khí tượng thủy văn trong nhiều năm qua cho thấy, thời gian mưa trung bình ở vùng núi Tây Bắc hơn 3 giờ đồng hồ với lượng mưa trung bình khoảng từ 120mm đến 210mm là khả năng xảy ra lũ quét. Thống kê này cho thấy khả năng xảy ra lũ quét ở vùng Tây Bắc là rất cao.

Làm thế nào để phòng tránh, hạn chế thấp nhất những thiệt hại của thiên tai, ngoài nỗ lực của các địa phương, cần tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quan trắc, cảnh báo, ứng dụng các giải pháp công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại sau lũ.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại sau lũ.

Để thực hiện điều này cần có những đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng thời với các giải pháp giảm thiểu trước thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, năng lực tự ứng phó, đặc biệt trong cộng đồng dân cư cũng như đầu tư vào hệ thống thông tin tới người dân, để bà con vùng cao, miền núi bớt đi mất mát đau thương, quẩn quanh với đói nghèo mỗi mùa mưa lũ đến.

Nhóm phóng viên(VOV-Tây Bắc)
Bình luận
vtcnews.vn