Tỷ lệ người mắc ung thư phổi, gan tăng do thường xuyên hít phải khói thuốc lá

Tin tứcThứ Tư, 15/11/2023 10:14:00 +07:00
(VTC News) -

Người thường xuyên hít phải khói thuốc lá ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thu phổi, ung thư gan, nhiễm khuẩn hô hấp.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá được cấu tạo từ hỗn hợp khí, bụi và chứa khoảng 7.000 chất hóa học. Khói thuốc bị cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư IARC thuộc WHO xếp vào các chất gây ung thư hạng 1.

Khói thuốc lá rất hại cho sức khỏe dù chỉ khối lượng nhỏ. Khói thuốc có thể tồn tại trong không khí hơn 2 giờ, ngay cả khi không còn nhìn thấy và ngửi thấy dư lượng còn lại trong những vật dụng xung quanh trong thời gian dài như quần áo, nội thất, rèm cửa.

Tỷ lệ người mắc ung thư phổi, gan do thường xuyên hít phải khói thuốc lá tăng.

Tỷ lệ người mắc ung thư phổi, gan do thường xuyên hít phải khói thuốc lá tăng.

Do đó, những người thường xuyên sống cạnh hoặc làm việc với những người hút thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu mỗi ngày, và điều này gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, bác sỹ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa bệnh Phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) cho biết, mgười không hút thuốc không chỉ hít phải luồng khói người đó thải ra mà còn phải hít thêm một loại khói thuốc đang cháy trên đầu điếu thuốc.

Như vậy, người hút thuốc lá thụ động sẽ nguy hại đến sức khỏe hơn người hút thuốc trực tiếp. Báo động hơn tỷ lệ người mắc ung thư phổi, gan do thường xuyên hít phải khói thuốc lá ngày càng tăng so với 5 năm trước đây. 

Trên thực tế, dù hút thuốc lá ngoài ban công, ngoài đường, khói thuốc vẫn bám lại trên quần áo, trên cơ thể và trên miệng người hút thuốc. Vì vậy, những người xung quanh vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực trực tiếp từ người hút thuốc lá.

Khi thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, với khói thuốc độc hại, trẻ nhỏ sẽ bị tác động trực tiếp đến khả năng bảo vệ các bộ máy chức năng của cơ thể đang trong giai đoạn phát triển và dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp.

Việc thường xuyên hít phải khói thuốc lá ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, hệ hô hấp là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất và dẫn đến các bệnh lý ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính cùng nhiều bệnh khác như ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư miệng.

"Hút thuốc lá gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh lý về tim mạch. Những người hút thuốc lá nhiều nguy cơ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cao hơn từ 3 - 6 lần người bình thường. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai khi hít phải nhiều khói thuốc lá có nguy cơ sinh non và thai chết lưu cao", bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Thành, thời gian qua, tỷ lệ người "nghiện" thuốc lá cai nghiện thành công tăng lên. Tuy nhiên, với những người nghiện thuốc lá lâu năm việc cai thuốc là quá trình khó khăn, thực tế đã bỏ cuộc và tái nghiện.

Vì vậy, nhiều người tìm đến các trung tâm tư vấn và được hỗ trợ của các chuyên gia như Phòng tư vấn và cai nghiện thuốc lá của Bệnh viện Phổi Trung ương.

Người hút thuốc lá trực tiếp hay gián tiếp đều có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe như nhau. Việc hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người thân, đến môi trường và toàn thể xã hội.

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 53,3% người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn đang bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình (tăng so với thời điểm năm 2018 là 47%); 36,8% bị phơi nhiễm trong những tòa nhà hay tại nơi làm việc. 

Mỗi năm, Việt Nam có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc. Theo dự tính số tử vong vì thuốc lá vào năm 2030 sẽ có thể lên đến 70 nghìn người nếu như không có các giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng cũng như sự thay đổi trong ý thức, hành vi của mỗi người dân.

An An
Bình luận
vtcnews.vn