Tướng Phan Anh Minh: Cần tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức

Tin nhanh 24hThứ Ba, 06/10/2020 17:29:47 +07:00
(VTC News) -

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng, phải xin Quốc hội có nghị quyết tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt TP Thủ Đức.

Ngày 6/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021. 

Góp ý cho Đề án thành lập TP Thủ Đức, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng cần phải xin Quốc hội có nghị quyết tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt TP Thủ Đức.

Tướng Phan Anh Minh: Cần tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức - 1

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM góp ý tại hội nghị. (Ảnh: VnExpress)

Theo phân tích của ông Minh, nếu thẩm quyền TP Thủ Đức vẫn chỉ như một đơn vị hành chính cấp huyện, trong khi giao cho một khối lượng quản lý rất lớn, thu ngân sách và dân số thậm chí còn lớn hơn một số tỉnh thì rất khó thực hiện.

Ngoài ra, thẩm quyền của các đơn vị hành chính cấp huyện vẫn bị trói buộc về các luật, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách… nếu giao quản lý rất rộng nhưng thẩm quyền phải xin ý kiến ba tầng thì không giải quyết được vấn đề gì.

“Ông chủ tịch, ông trưởng công an và tất cả trưởng ban ngành của TP Thủ Đức đều là thẩm quyền cấp huyện mà làm những chuyện lớn hơn, liệu có làm được không. Hiện nay chiếc áo đang mặc là rất chật, bây giờ ba người lại mặc chung cái áo thì liệu có giải quyết được không. Nếu chúng ta không tính toán điều này thì sẽ không giải quyết được”, ông Minh dẫn chứng.

Về đề án sáp nhập các phường trên địa bàn TP.HCM, ông Minh cho rằng, cần phải tính toán khối lượng công việc cụ thể ở đơn vị sau khi sáp nhập khác với đơn vị hành chính cũ như thế nào, nhân lực ra sao. Vì nếu bây giờ sáp nhập 3 quận vào chắc chắn sẽ phát sinh nhiều chuyện, dẫn tới khối lượng công việc nhiều hơn rất nhiều. 

Cũng theo ông Minh, việc thành lập TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính mới, nên phải cân nhắc kỹ xem có nên tinh giản biên chế hay không? Hay phải tính toán phương án tạm tăng biên chế thời gian đầu để giải quyết công việc cho dân.

Để ổn định lâu dài khi thành lập TP Thủ Đức, ông Minh cũng cho rằng cần tính toán tránh xáo trộn cho người dân. “Ở TP có những bài học kinh nghiệm là có những tên đường, địa danh đổi tên tùy tiện quá, có nơi đổi tên ba lần mà vẫn chưa vừa lòng, muốn đổi nữa, mỗi lần đổi là không chỉ "chết" dân mà cán bộ quản lý hành chính địa bàn đó cũng "chết", công an đi xác minh lục lại những tên cũ… bây giờ nhiều anh em trẻ không làm được”, ông Minh nói.

Theo kết quả bỏ phiếu được TP.HCM tổ chức hôm 3/10, có 82% đến 97% cử tri các Quận 2, 9 và Thủ Đức đồng ý phương án sáp nhập, hơn 20% cử tri Quận 2 không muốn lấy tên TP Thủ Đức. Một số người dân Quận 2 đề xuất nhiều tên khác như: TP Sài Gòn, TP Gia Định, TP Thủ Thiêm...

Người dân 19 phường thuộc Quận 2, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận đồng tình phương án nhập phường với tỷ lệ phiếu 85-99%, tên gọi phường mới là 74-99%.

Theo kế hoạch, nếu có trên 50% tổng số cử tri ở phường tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp. HĐND TP.HCM họp cho ý kiến vào ngày 12/10. UBND TP.HCM trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25/10.

Thế Quang
Bình luận
vtcnews.vn