'Từ nay đến cuối năm 2023, cơ bản sẽ không thiếu điện'

Đầu TưThứ Ba, 04/07/2023 21:06:08 +07:00
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2003 chiều 4/7.

"Trên tính toán cập nhật và các giải pháp, chúng tôi cho rằng từ nay đến cuối năm 2023, cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên cả nước", ông Hải nói.

Theo ông Hải, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6 năm 2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh, cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Nói về tình hình cung cấp điện từ tháng 5 và tháng 6 gặp nhiều khó khăn, ông Hải nêu nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài nhu cầu tiêu thụ điện tăng, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, cùng với các khó khăn trong vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện. Chính vì thế Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải thực hiện tiết giảm điện tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo Chính phủ chiều 7/4. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo Chính phủ chiều 7/4. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong những ngày cuối tháng 6, lưu lượng nước về các hồ thủy điện có cải thiện, mực nước các hồ đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục vận hành trở lại, đồng thời với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng và Bộ Công Thương, hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.

Trong tháng 7, ông Hải cảnh báo còn khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023.

Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khó khăn trong hệ thống điện, trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền  để xem xét, chỉ đạo.

Phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Miền Bắc quay lại nắng nóng, nhu cầu điện tăng vọt

Số liệu thống kê từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0)  cho thấy, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 3/7 đạt 831,8 triệu kWh, tăng 75,6 triệu kWh so với ngày 2/7.

Đáng chú ý, miền Bắc có nhu cầu điện tăng khoảng 6 triệu kWh, ước đạt 428,4 triệu kWh. Trong khi đó, nhu cầu ở miền Trung khoảng 79,1 triệu kWh và miền Nam khoảng 323,9 triệu kWh.

Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 14h đạt 41.721,4 MW tăng 33.899,4 MW tăng 7.822 MW so với ngày 2/7. Trong đó, công suất đỉnh của miền Bắc cũng ở mức cao nhất, đạt 20.727,2 MW vào lúc 13h30, trong khi công suất đỉnh ở miền Nam đạt 17.241,9 MW vào lúc 14h30 và miền Trung đạt 3.973,2 MW vào lúc 14h.

Thủy điện huy động tăng không đáng kể

Cung cấp thông tin cho VTC News, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong ngày 3/7/2023, tổng sản lượng huy động từ thủy điện đạt khoảng 225,8 triệu kWh tăng 32 triệu kWh so với ngày 1/7 (miền Bắc là 118,8 triệu kWh tăng 22,1 triệu kWh so với ngày 2/7).

Đáng chú ý, lượng nước về các hồ chứa những ngày qua tăng không đáng kể, khiến cho nhiều nhà máy thủy điện vẫn phải ngừng phát điện hoặc phát điện cầm chừng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Thác Bà - cho biết, đến thời điểm này nhà máy hầu như không phát điện để tích nước lên.

Mực nước tại các hồ thủy điện vẫn thấp. (Ảnh minh họa)

Mực nước tại các hồ thủy điện vẫn thấp. (Ảnh minh họa)

Từ ngày 1/6, hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết, Công ty CP Thủy điện Thác Bà phải chủ động dừng 2 tổ máy không phát, tổ máy số 3 tiếp tục phát điện ở mức tối thiểu (15MW) nhằm cung cấp nước cho hạ du và cung cấp điện cho đời sống của người dân cũng như đưa dần mực nước hồ lên trên mực nước chết, đảm bảo đúng quy trình điều tiết liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu như các tổ máy không hoạt động.

Sáng 3/7, lượng nước về hồ Thác Bà đạt 120 m3/s, mực nước hồ Thác Bà là 47.93 (so với mực nước chết là 46 m), không thể duy trì phát điện được vì sai lệch về giá trị cho phép rất lớn. Hiện nay chúng tôi chỉ phát rất ít chứ không ăn thua, trong cả tháng 6 đến những ngày đầu tháng 7 nhà máy mới phát được hơn 5 triệu MW. Trước kia, bình thường mỗi tháng chúng tôi phát 25- 30 triệu MW”, ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm, theo thống kê tình hình thủy văn vào tháng 4-5 hàng năm sẽ có lũ tiểu mãn, nhưng năm nay đến tháng 7 vẫn không có lũ. Đặc biệt từ tháng 5 đến nay lưu lượng nước về hồ so với trung bình nhiều năm chỉ bằng 40%, riêng so với 2022 chỉ bằng 22%, điều này cho thấy tình hình rất khô hạn.

Dự báo trong năm nay tình hình sản xuất thủy điện sẽ hết sức khó khăn, trong quá khứ năm 2010, 2016 đã có thời điểm mực nước hồ cũng xuống thấp nhưng vẫn đạt mức 46m, trong khi đó năm nay mực nước thấp nhất trong lịch sử nhà máy.

Nếu lượng nước về hồ nhỏ giọt như hiện nay thì đến cuối năm 2023 cũng chưa thể phát điện được. Chúng tôi cũng hy vọng có sự thay đổi về lượng mưa ở thượng nguồn. Từ khi đi vào hoạt động, đây lần đầu tiên chúng tôi phải dừng máy phát điện sau hơn 50 năm đi vào khai thác vì không đủ nước để phát điện”, ông Cường nói.

Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cũng cho biết, nhiều ngày nay, lưu lượng nước tại hồ liên tục thấp, hiện mực nước tại hồ chứa chỉ cao hơn 2m so với mực nước chết.

Đặc biệt, trong hai tháng qua, trên địa bàn Nghệ An diễn ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt, mưa rất ít, nhiệt độ dao động từ 39 đến 42 độ C, khiến mực nước hồ chứa chỉ dao động 156 - 158m, cao hơn mực nước chết 1- 3m nên nhà máy chỉ được phát điện với lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về hồ.

"Theo quy định, chỉ trường hợp đặc biệt do phải đáp ứng an ninh năng lượng mới tiếp tục khai thác hồ dưới mực nước chết. Hiện sản lượng phát điện của nhà máy thủy điện Bản Vẽ chỉ đạt khoảng 40% công suất”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, từ nửa cuối tháng 6 và những ngày đầu tháng 7, thời tiết khu vực miền Trung tiếp tục nắng nóng cực đoan, hạ lưu sông Cả đang xảy ra hiện tượng thiếu nước cấp cho hạ du nên việc phát điện của nhà máy cũng cầm chừng.

Theo dự báo của chúng tôi, phải đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới, khu vực miền Trung có lũ, nước trong hồ thủy điện mới dâng lên cao và khai thác tối đa công suất theo chỉ đạo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia”, ông Hùng thông tin thêm.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn