Trung Quốc và EU sẽ bắt tay xây dựng FTA riêng để 'đáp trả' TPP?

Kinh tếThứ Năm, 08/10/2015 05:15:00 +07:00

Trung Quốc và châu Âu sẽ bắt tay với nhau để thiết lập một hiệp định thương mại tự do riêng của mình để đáp trả lại TPP

(VTC News) - Những kẻ bị gạt ra khỏi hiệp định TPP như Trung Quốc và châu Âu sẽ bắt tay với nhau để thiết lập một hiệp định thương mại tự do (FTA) riêng để "đáp trả" lại?

Ngày 5/10, đàm phánhiệp định TPP kết thúc, sau khi đại diện của 12 nước thành viên gồm Australia, New Zealand, Mỹ, Peru, Chile, Mexico, Canada, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Và theo như phân tích mới đây trên trang CNBC, hiệp định thương mại được đánh giá là lớn nhất thế giới trong những thập kỷ gần đây có thể sẽ tạo lên một làn sóng "tạo bè kéo cánh" trên trường quốc tế trong thời gian tới.

Khi 12 quốc gia của hiệp định TPP đang vui mừng vì đã có được một sự đột phá lớn đánh dấu sự kết thúc cho các vòng đàm phán kéo dài trong suốt 5 năm qua thì các nhà phân tích đang tự hỏi, liệu những người bị cho "ra rìa" khỏi thỏa thuận này, cụ thể là Trung Quốc và khu vực châu Âu, sẽ làm gì để đáp trả lại?
Trung Quốc và khu vực châu Âu, sẽ làm gì để đáp trả lại TPP?
"Câu hỏi đặt ra, là Trung Quốc và châu Âu nên làm những gì trong thời gian tới khi phải đối mặt với một khối kinh tế lớn như TPP?", theo ông Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis.

"Trung Quốc và châu Âu cuối cùng có thể sẽ tìm đến nhau và sẽ có được một số điểm chung mà bản thân họ cũng không hề biết đến trước đây."

Cảm giác cay đắng

Thật vậy, thông tin hiệp định TPP đạt được thỏa thuận hôm 4/10 vừa qua có thể đã làm cho hai "ông lớn" có cảm giác như bị xem thường.

Nếu ai đã có hoài nghi rằng, Trung Quốc bị gạt ra khỏi TPP là có mục đích của Mỹ thì họ chỉ cần nhìn lại quan điểm của Tổng thống Barack Obama là sẽ có được câu trả lời, ông Herrero nói.

Trong một tuyên bố chính thức vào ngày 5/10, các nhà lãnh đạo Mỹ còn nói rằng: "khi có hơn 95% khách hàng tiềm năng sống bên ngoài biên giới của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không thể để cho các quốc gia như Trung Quốc viết các quy tắc của họ lên nền kinh tế toàn cầu."
TPP không có mặt của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trong khu vực EU
TPP không có mặt của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trong khu vực EU  
Thực chất, Trung Quốc ban đầu cũng đã được mời tham gia nhưng các nhà hoạch định chính sách của nước này đã không sẵn lòng thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe của hiệp định TPP, một yếu tố đã làm cho khả năng quốc gia này sẽ tham gia là rất khó xảy ra trong tương lai gần.

"Đối mặt với những cơn gió thổi ngược, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á không muốn bàn tay của họ bị trói lại bởi các yếu tố phi thương mại trong hiệp định TPP," theo chuyên gia kinh tế của BBVA phân tích trong một báo cáo đề cập đến các chính sách như bảo vệ chặt chẽ hơn quyền sở hữu trí tuệ.

"Các nền kinh tế này muốn duy trì sự ổn định về chính trị và vĩ mô khi trải qua sự tái cân bằng cấu trúc ở trong nước trong bối cảnh môi trường tài chính toàn cầu bất ổn," BBVA nhận định.

Còn châu Âu, trong khi bản thân vẫn còn đang bế tắc trong việc đàm phán với Mỹ về Hiệp định Thương mại và Đầu tư Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thì những tiêu chuẩn trong các khung thỏa thuận của TPP mà Mỹ đặt ra chắc chắn họ cũng sẽ không chấp thuận, ông Herrero cho biết.

Trung Quốc và EU sẽ có một hiệp định thương mại riêng?

Từ tài chính cho đến một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiềm năng, các nhà phân tích nói rằng có một số lĩnh vực mà Trung Quốc và EU có thể bắt tay với nhau

Trước hết, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để có thiết lập một Hiệp định đầu tư song phương dự kiến sẽ có kết luận vào cuối cùng vào năm 2016.

"Hiện tại có vẻ như Mỹ và Trung Quốc đã bị "mất đà" cho những thỏa thuận đầu tư song phương của họ mà có thể thấy không được đề cập đến mấy trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình ở Mỹ vừa qua. Châu Âu có thể - ngay lập tức - sẽ trở thành người đi tiên phong trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc và có thể là cả với Mỹ theo nếu như họ muốn", Herrero nói.

"Trung Quốc đã từng bày tỏ với EU về việc đàm phán tiến tới xây dựng một hiệp định thương mại tự do song phương, trong lần Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm EU vào tháng 3/2014.

Vào thời điểm đó, EU cũng công nhận rằng, đây sẽ là một mục tiêu dài hạn hơn chứ không chỉ đơn thuần là một hiệp định có thể đàm phán trong tương lai gần", ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại IHS từng nhấn mạnh.

Thực chất, cả Trung Quốc và EU sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu như giữa họ đạt được một hiệp định thương mại tự do. Tổng thương mại song phương của hai "ông lớn" này đạt tới 467 tỷ euro trong năm 2014, khiến cho Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ.

Việc hợp tác với một khu vực lớn cũng nằm trong danh sách mục tiêu xây dựng dự án "One Belt, One Road" (tạm dịch là Một vành đai, một con đường) đầy tham vọng của Trung Quốc, trong đó có cả việc sẽ tìm đến nguồn tài chính từ châu Âu.

Đặc biệt, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày một sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và EU trong những tuần gần đây.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ trở thành quốc gia ngoài EU đầu tiên đóng góp cho Kế hoạch Đầu tư trị giá 315 tỷ euro của Ủy ban châu Âu.

Trong khi đó, EU cũng cho biết sẽ xem xét khả năng cho Trung Quốc trở thành một thành viên trong Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (EBRD), một ngân hàng đầu tư phát triển của khu vực này.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn