Trung Quốc nỗ lực kiểm soát giá bánh trung thu

Thời sự quốc tếThứ Năm, 08/09/2022 16:15:12 +07:00
(VTC News) -

Trung Quốc đang tiến hành kiềm chế tình trạng giá bánh trung thu “cao ngất trời” trước lễ hội cuối tuần này, trong bối cảnh chống tham nhũng và lãng phí xã hội.

Bánh trung thu là món quà thường được tặng cho gia đình và bạn bè để kỷ niệm trong ngày tết trung thu ở một số nơi, trong đó có Trung Quốc. Theo The Guardian, hiện nước này đang cố gắng kiểm soát những mặt hàng bánh trung thu "xa xỉ", trong bối cảnh chống tham nhũng và lãng phí xã hội. 

Trước ngày lễ này, nhiều "chuyên gia" mua sắm trực tuyến nỗ lực tìm đến những địa chỉ tốt nhất để có được những hộp bánh trung thu sang trọng nhất, nhằm gây ấn tượng với bạn bè và người thân. Một số loại bánh trung thu trên thị trường có giá lên tới hơn 160 nhân dân tệ (540.000 đồng) mỗi chiếc, đi kèm với nhãn hiệu sang trọng. Nhưng ở Trung Quốc, những món quà xa xỉ như vậy đang bị quản lý chặt chẽ.

Trung Quốc nỗ lực kiểm soát giá bánh trung thu - 1

Bánh trung thu tại Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: REX)

Trong chiến dịch kiểm soát giá bánh trung thu, các cơ quan chống tham nhũng và thương mại Trung Quốc nhắm vào những người bán tính giá quá cao hoặc cung cấp "bao bì quá rườm rà", vượt quá giới hạn nghiêm ngặt về chi phí sản xuất và các thành phần bị cấm. Là một phần của chiến dịch, người bán được yêu cầu giữ các ghi chép về việc kinh doanh bánh trong hai năm. Các quan chức Trung Quốc hiện đã kiểm tra khoảng 180.000 người bán và nhà cung cấp kể từ đầu tháng 8, cơ quan quản lý nhà nước về điều tiết thị trường của nước này cho biết.

Cũng theo các nhà chức trách Trung Quốc, một hộp bánh trung thu trung bình có giá sản xuất khoảng 70 nhân dân tệ (236.580 đồng) và giá bán lẻ không vượt quá  500 nhân dân tệ (1,68 triệu đồng). Khoảng 80% sản phẩm được bán với giá thấp hơn một nửa, nhưng một số người bán đã lách quy định bằng cách định giá bánh ở mức 499 nhân dân tệ hoặc kết hợp bánh với các gói quà ngày càng xa xỉ, theo truyền thông địa phương. Một số người gói bánh với các sản phẩm khác như các loại hạt hoặc rượu, dán nhãn sai thành “bộ quà tặng bánh ngọt” hoặc bán bánh như một phần của các gói hàng cao cấp tại các khách sạn.

Một tờ báo địa phương viết: “Bánh vẫn là chiếc bánh cũ, nhưng chiếc hộp ngày càng to ra qua từng năm".

Thị trường hộp quà bánh trung thu có tính cạnh tranh cao, được cho là có giá trị khoảng 16,9 tỷ nhân dân tệ ở Trung Quốc và các nhà sản xuất ngày càng sáng tạo để trở nên nổi bật. 

Clarissa Wei, một nhà báo ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và là tác giả của một cuốn sách dạy nấu ăn sắp ra mắt, cho biết việc tặng bánh trung thu bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 ở Hong Kong, sau đó lan sang Trung Quốc đại lục. Giờ đây, đó là một “biểu tượng địa vị” có yếu tố cạnh tranh, cô bình luận. 

Wei nói: “Trong những năm qua, bao bì bánh trung thu ngày càng trở nên công phu hơn, và theo nhiều cách, cũng quan trọng không kém. Thậm chí quan trọng hơn so với chính những chiếc bánh. Xung quanh bao bì cũng có rất nhiều xu hướng cường điệu, nhiều thương hiệu sẽ dành tới một năm để thiết kế hộp đựng bánh trung thu".

Cuộc kiểm soát giá bánh trung thu của Trung Quốc cũng diễn ra ít nhất hai lần trước đó vào năm 2013 và 2014, trong bối cảnh nước này nỗ lực kiềm chế sự thái quá và lãng phí trong xã hội. Nhiều chiến dịch và điều luật khác được đặt ra nhằm tránh khuyến khích người dân tổ chức đám cưới quá tốn kém, cũng như những hành vi “thô tục” phản ánh “sự sùng bái đồng tiền tràn lan”, ví dụ hạn chế số lượng món ăn mà một bàn có thể mua tại nhà hàng, hay có các khoản phạt cho việc ăn quá nhiều để biểu diễn và quảng cáo.

Một quan chức Trung Quốc cho biết: “Những sản phầm này không chỉ lệch lạc với nguồn gốc văn hóa truyền thống mà còn góp phần gây ra sự xa hoa, lãng phí và có tác động tiêu cực đến bầu không khí xã hội, thậm chí có thể bị mọi người coi là tham nhũng". Các nhà chức trách cũng kêu gọi người dân Trung Quốc chú ý đến tình trạng "tham nhũng trong lễ hội" và báo cáo.

Tuy nhiên, một số người bán cho rằng sự trở lại của ngành bánh trung thu xa xỉ tại Trung Quốc có ảnh hưởng từ những khó khăn kinh tế. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trải qua thời kỳ kinh doanh tồi tệ trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Phương Anh(Nguồn: The Guardian )
Bình luận
vtcnews.vn