TP.HCM: Trẻ mắc tay chân miệng hầu hết đều dưới 6 tuổi

Tin tứcThứ Hai, 31/07/2023 20:18:00 +07:00
(VTC News) -

Đa phần các ca mắc tay chân miệng ở TP.HCM dưới 6 tuổi, hiện các bệnh viện của thành phố đang điều trị 477 ca bệnh.

Ngày 31/7, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 7/2023, TP.HCM có 13.173 ca mắc tay chân miệng.

Các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 477 ca tay chân miệng, trong đó có 476 ca mắc tay chân miệng dưới 6 tuổi (chiếm 99,7%). Bên cạnh đó, 36 ca tay chân miệng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Trẻ mắc tay chân miệng tại TP.HCM hầu hết đều dưới 6 tuổi. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Trẻ mắc tay chân miệng tại TP.HCM hầu hết đều dưới 6 tuổi. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Riêng ngày 28/7, qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TP.HCM phát hiện 288 ca mắc tay chân miệng, trong đó đã bổ sung 22 ca mắc mới từ các ngày trước.

Cũng từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 9.790 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Hiện các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM điều trị 158 ca sốt xuất huyết (106 ca tại TP.HCM), trong đó 69 ca người lớn, 89 ca trẻ em.

Đáng chú ý, có đến 13 ca sốt xuất huyết nặng, 8 ca đang thở máy xâm lấn, 2 ca đang được lọc máu đang điều trị tại  Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin cho người dân biết về phòng, chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Ngành Y tế TP.HCM khuyến cáo, để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần diệt lăng quăng và muỗi, tăng cường vệ sinh môi trường, tăng cường dinh dưỡng.

Các chuyên gia khuyến cáo có thể thả cá bảy màu trong các hồ nuôi cá, đậy nắp, súc rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước, sử dụng thuốc chống muỗi, nhang đuổi muỗi... 

Nếu có các dấu hiệu như sốt cao 24-48 giờ không giảm, mệt mỏi, lừ đừ, da xung huyết, người dân nên đến bệnh viện để khám và xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết.

Dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết là đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, tiêu ra máu, chảy máu chân răng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, nếu xung quanh trẻ có người mắc tay chân miệng, nên theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo nên kiểm tra lòng bàn tay, chân và miệng của trẻ để kịp thời phát hiện các bóng nước. Nếu trẻ biếng ăn hay sốt cao khó hạ, ngủ giật mình chới với, nôn ói nhiều, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay.

"Trẻ bệnh nhẹ, được chỉ định theo dõi điều trị tại nhà, nên cách ly ở nhà khoảng 10 ngày, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ.

Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, xử lý phân, dịch tiết", đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Lâm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn