Tình hình mới đặt ra yêu cầu mới về công nghiệp quốc phòng

Quân sựThứ Tư, 08/11/2023 20:22:02 +07:00

Chiều 8/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Theo Bộ trưởng, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Bộ Trưởng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập trên các lĩnh vực như: Chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp của Bộ Quốc phòng, về công nghiệp an ninh của Bộ Công an; tính lưỡng dụng trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; cơ chế ưu tiên nguồn lực cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; vấn đề hợp tác quốc tế trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp...

Theo đó, mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: "Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp".

Đáng chú ý, việc xây dựng luật cũng nhằm huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Về phía cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí sự cần thiết ban hành Luật, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đánh giá, nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cơ bản bảo đảm tính khả thi; hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Tuy nhiên, ông Lê Tấn Tới đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm chỉ đạo của Đảng, với các mục tiêu, yêu cầu như: Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng;… trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh; công nghiệp quốc phòng phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại; tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Đồng thời, nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các luật, pháp lệnh có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật...

Lê Hoàng (VOV.VN )
Bình luận
vtcnews.vn