54 tác phẩm đoạt giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tin nóngChủ Nhật, 05/11/2023 23:34:23 +07:00

54 tác phẩm báo chí được vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4, trong đó VOV nhận 1 giải A, 1 giải B và 2 giải C.

Tối 5/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4 năm 2022-2023. 

Sự kiện do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023).

Dự lễ trao giải có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và Hà Nội. 

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm nay với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.

Trong đó, VOV vinh dự nhận 1 giải A, 1 giải B và 2 giải C. Giải A thuộc về tác phẩm: Loạt 3 bài: Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Trao giải các tác giả đoạt giải A.

Trao giải các tác giả đoạt giải A.

Loạt 3 bài: Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam vinh dự đoạt giải A.

 Loạt 3 bài: Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam vinh dự đoạt giải A.

Giải B thuộc về tác phẩm: Loạt 3 bài: "Bóp méo và trục lợi" chính sách nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh - Hà Nội); Nhóm tác giả: Lê Ngọc Hải, Nguyễn Thị Hồng (Báo Tiếng nói Việt Nam), Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trao giải các tác giả đoạt giải B.

Trao giải các tác giả đoạt giải B.

Giải C thuộc về tác phẩm: Loạt 3 bài: Chống lãng phí và "sức nặng" cuộc giám sát tối cao của Quốc hội; Nhóm tác giả: Ngọc Thành, Hà Phương (Báo Điện tử VOV), Đài Tiếng nói Việt Nam và tác phẩm "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; Nhóm tác giả: Nguyễn Pháp, Thùy Vinh, Huy Hiểu, Khánh Ngọc (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trao giải các tác giả đoạt giải C.

Trao giải các tác giả đoạt giải C.

Loạt 3 bài: Chống lãng phí và "sức nặng" cuộc giám sát tối cao của Quốc hội; Nhóm tác giả: Ngọc Thành, Hà Phương (Báo Điện tử VOV), Đài Tiếng nói Việt Nam đạt giải C.

Loạt 3 bài: Chống lãng phí và "sức nặng" cuộc giám sát tối cao của Quốc hội; Nhóm tác giả: Ngọc Thành, Hà Phương (Báo Điện tử VOV), Đài Tiếng nói Việt Nam đạt giải C.

Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, đây là những tác phẩm được điều tra công phu, nhiều tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật.

Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương.

Nhiều tác phẩm được đánh giá cao như: Loạt bài 5 kỳ về "Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn" đăng Báo Bảo vệ pháp luật; loạt 4 bài về "Loại bỏ việc thi đua hình thức", "chạy chọt" khen thưởng đăng trên Báo Sài gòn Giải phóng; Loạt 5 bài "Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm" đăng trên Báo Công an Nhân dân; Loạt 3 bài "Bóp méo và trục lợi" chính sách nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh - Hà Nội) đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam; Phim tài liệu: "Không lùi bước” phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam…

Bên cạnh việc nhận diện tham nhũng tiêu cực thì một trong những điểm nổi bật của mùa giải năm nay là ghi nhận nhiều tác phẩm dày công nghiên cứu, phản ánh kết quả 10 năm công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 cũng như những kết quả ban đầu sau một năm thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh.

Trao giải các tác giả đoạt giải Khuyến khích.

Trao giải các tác giả đoạt giải Khuyến khích.

Chia sẻ về tác phẩm Loạt 3 bài "Thuốc nào trị bệnh sợ sai?" đoạt Giải A, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4 của Nhóm tác giả Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Lại Thị Hoa cho biết: "Thực hiện tác phẩm "Thuốc nào trị bệnh sợ sai?" Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan đầu tiên ở thời điểm đó thực hiện về căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm. Khi thực hiện tác phẩm thì chúng tôi đã chỉ rõ được nguyên nhân của tình trạng sợ sai sợ trách nhiệm, đó là cán bộ còn dè dặt sợ luật quy định vẫn chưa được đảm bảo để cho họ yên tâm làm việc.

Thứ hai nữa là chúng tôi cũng đã chỉ ra được những hệ lụy của việc là cán bộ sợ sai sợ trách nhiệm dẫn đến sự trì trệ, chậm phát triển của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân".

Nhà báo Nguyễn Đức Minh, Báo Nông thôn ngày nay đoạt giải B với tác phẩm "Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh" chia sẻ, để vạch trần được tình trạng tham nhũng, nhà báo phải dấn thân vào những tình huống khó khăn và nguy hiểm và khi sự thật được phơi bầy, đó chính là phần thưởng xứng đáng đầy tự hào của người làm báo:

“Đó cũng là hành trình rất gian nan để ghi hình ảnh chân thực về việc lâm tặc chặt cây, cưa cây và làm thành sản phẩm vận chuyển ra khỏi rừng như thế nào, sau đó đến việc tiếp cận những chủ buôn gỗ.

Sau loạt phóng sự được đăng tải trên báo, Công an tỉnh Lai Châu đã vào cuộc, qua đó bắt giữ tổng cộng là hơn 30 đối tượng, trong đó có 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và 15 cán bộ thanh tra, trong đó có cả Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu liên quan đến việc nhận hối lộ thực hiện hành vi bao che cho việc buôn bán buôn lậu".

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ trao giải.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ trao giải.

Phát biểu tại buổi Lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó có đóng góp to lớn từ lực lượng báo chí, từng bước làm chuyển biến tình hình, có kết quả rõ ràng, cụ thể, quán triệt sâu sắc định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò xung kích tiên phong của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị:

"Trước hết phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, phản ánh và phê phán mạnh mẽ tình trạng đùn đẩy thoái thác, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ đảng viên.

Thứ hai, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng bước xây dựng văn hóa, tiết kiệm văn hóa, liêm chính không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ đảng viên phải gương mẫu".

PV(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn