Tính biệt thự vào giá điện, Bộ trưởng Công thương phân trần

Kinh tếThứ Ba, 01/04/2014 12:33:00 +07:00

(VTC News)- Nhiều đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi xung quanh nghi vấn hoạch toán biệt thự, sân tennis và giá điện.

(VTC News)- Nhiều đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi xung quanh nghi vấn hoạch toán biệt thự, sân tennis và giá điện.

Sáng nay, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường, chống hàng lậu, hàng kém chất lượng…

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thẳng thắn đưa ra câu hỏi về những bất hợp lý trong giá điện hiện nay. “Gần đây, dư luận cho rằng, việc tính chi phí giá điện, bao gồm cả chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, nhà ở cho công nhân viên vào giá thành là rất bất hợp lý?”, ông Huỳnh Nghĩa đặt vấn đề.
Bộ trưởng vũ huy hoàng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong phiên trả lời chất vấn sáng nay (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Đối với Dự án Nghi Sơn 1 (có hạng mục sân tennis, không có bể bơi), trong năm 2011 dự án chưa đưa vào vận hành nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa có trong giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Đối với Dự án Phú Mỹ 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis), chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên đã đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện từ năm 2006 (khoảng 1,3 – 3,7 tỷ đồng/năm)

Thừa nhận có việc đưa chi phí khu nhà vào giá điện, Bộ trưởng Hoàng lý giải: “Do nhu cầu thực tế của dự án cần có khu nhà ở cho cán bộ, công nhân quản lý vận hành và sửa chữa để đáp ứng việc xử lý sự cố kịp thời đảm bảo quá trình vận hành thường xuyên của nhà máy điện.

Ngoài ra, tại thời điểm xây dựng, Dự án ở xa khu dân cư nên cần phải có khu nhà ở tại khu vực Dự án cho chuyên gia nước ngoài xây dựng nhà máy điện. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực tế đối với dự án này”.

Đối với Dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis, biệt thự), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.

Đối với Dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis, biệt thự), không có khoản chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên trong giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.

Đối với Dự án nhiệt điện Phú Mỹ 4 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.

Đối với Dự án nhiệt điện Ô Môn 1 (có bể bơi và sân tennis), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.

“Như vậy, trong 6 Dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, chỉ có 1 Dự án là Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis, nhưng đây là Dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài nên ở giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết, nhất là trong điều kiện địa điểm Dự án ở xa nội thành thành phố Cần Thơ”, Bộ trưởng Hoàng giải thích rõ hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận trong 6 Dự án, đến nay chỉ có Dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 - 3,7 tỷ đồng một năm).

Sau sự việc này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị các đơn vị thành viên kiểm điểm rút kinh nghiệm các tồn tại, khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh.
EVN
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định việc đầu tư ngoài ngành điện là có nhưng kinh phí không lớn 

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng băn khoăn về khoản đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn điện lực Việt Nam. “Ngành điện đầu tư ra ngoài ngành hơn 121 nghìn tỷ đồng, vậy khoản đầu tư này sẽ giải quyết ra sao, bao giờ EVN mới trả hết nợ?”

Trả lời những thắc mắc này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định theo kết quả thanh tra đầu tư ngoài ngành (ngoài công ty mẹ), thực tế chỉ hơn 2.000 tỷ đồng, còn đại đa số đầu tư lại cho ngành điện, phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành điện.

Chiều nay 1/4 , các đại biểu sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về vấn vấn đề liên quan đến y đức và quản lý giá thuốc.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn