Tiết lộ nguyên nhân nhóm máu O khan hiếm ở mức báo động

Sức khỏeThứ Ba, 09/01/2018 15:24:00 +07:00

Nhiều người cho rằng, vì nhóm máu O là nhóm hiếm nên mới bị thiếu trong kho dự trữ, tuy nhiên, sự thực có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm nhóm máu O.

Theo thông tin từ viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ngày 4/1/2018, số lượng dự trữ máu của Viện chỉ còn 6.910 đơn vị, trong đó nhóm máu O chỉ còn 1.295 đơn vị (18,7% tổng lượng máu dự trữ).

Trong khi đó, số lượng nhóm máu O phải đảm bảo tối thiểu chiếm 45% lượng máu dự trữ. Tình trạng khan hiếm nhóm máu O thời điểm này đã ở mức "báo động". Mặc dù trong 4 ngày gần đây, hàng người đã tham gia hiến máu để bổ sung cho kho máu nhưng từ giờ đến Tết Nguyên Đán, nhu cầu về máu vẫn cần rất lớn.

Chia sẻ với PV VTC News, Ths. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: “Ngày 8/1, thu được 1.500 đơn vị nhóm máu O; đến sáng ngày 9/1, thu được thêm khoảng 3.000 đơn vị máu.

Tuy nhiên, số máu thu được này chỉ đủ cung cấp trong thời gian ngắn. Riêng nhóm máu O, mỗi ngày Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cần 500 đơn vị máu cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội. Vì thế, nhu cầu về máu trong thời gian tới vẫn là rất lớn".

nhom-mau-o-khan-hiem

Tình trạng khan hiếm nhóm máu O ở mức báo động.

Theo ThS. Phạm Tuấn Dương, nhiều người cho rằng, vì nhóm máu O là nhóm hiếm nên mới bị thiếu máu O trong kho dự trữ. Tuy nhiên, sự thực có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm nhóm máu O.

Thống kê cho thấy, số lượng người có nhóm máu O chiếm 43 - 45% dân số. Vì vậy, số bệnh nhân mang nhóm máu O cũng tương đương, dẫn tới nhu cầu sử dụng máu O cũng rất lớn.

Đặc biệt, những người có nhóm máu O chỉ nhận được máu O khi cần truyền máu, nên trước tình trạng số lượng bệnh nhân cần nhóm máu O tăng lên đột biến dẫn tới thiếu nhóm máu O dự trữ trầm trọng.

Ngoài ra, nhóm máu O là nhóm có thể truyền thay thế được cho tất cả nhóm máu khác. Do đó, trong quá trình sử dụng, đặc biệt đối với một số trường hợp cấp cứu hoặc khó tìm nhóm máu phù hợp nên các cơ sở điều trị sẽ chỉ định truyền nhóm máu O thay thế. Nên, nhu cầu sử dụng cũng tăng lên gấp nhiều lần.

“Trước đây, Khoa Lưu trữ và Phân phối máu (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) thiếu tất cả các nhóm A, B, O, AB. Nhưng nhờ phong trào, sự ủng hộ của mọi người, tình hình thiếu máu được cải thiện.

Thời gian gần đây, không thiếu máu nhóm máu AB, A, B nhưng hay thiếu O - nhóm máu nhiều người sử dụng nhất”, ông Dương cho biết.

Video: Cứu sống bệnh nhân 72 tuổi bị xương cá đâm thủng ruột

Tình trạng thiếu máu xảy ra theo chu kỳ, khoảng thời gian bị thiếu máu nhiều nhất là từ 15/6 - 15/7 và khoảng 15/12 – 15/2.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm máu vào thời điểm đó là do dịp Tết, học sinh, sinh viên chuẩn bị thi cử, không đi hiến máu và vào dịp sinh viên nghỉ hè, tỷ lệ sinh viên đến hiến máu giảm, dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Chu kỳ thiếu máu xảy ra hàng năm, là do người Việt chưa có thói quen đi hiến máu vào những ngày ý nghĩa. Ở nước ngoài, người dân họ có kế hoạch hiến máu hàng năm nên khó xảy ra tình trạng khan hiếm máu như ở Việt Nam. 

Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn