Tiến sâu vào dải Gaza, binh sĩ Israel gặp nhiều nguy hiểm

Quân sựThứ Bảy, 11/11/2023 09:26:00 +07:00
(VTC News) -

Chiến dịch trên bộ ở Gaza của Israel dù đạt được những thắng lợi ban đầu nhưng thử thách lớn nhất vẫn còn đang đợi phía trước.

Ngày 27/10, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố bắt đầu chiến dịch trên bộ ở dải Gaza nhằm xóa sổ hoàn toàn lực lượng Hamas ở vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên sau gần ba tuần giao tranh, Tel Aviv chỉ mới tạm thời chia cắt được phía nam và bắc Gaza, đồng thời kiểm soát một khu vực nhỏ ven biển Địa Trung Hải.

Cùng với sự leo thang xung đột, thiệt hại của Israel cũng tăng từng ngày. Theo IDF, đã có hơn 30 binh sĩ nước này thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Gaza, cùng với đó nhiều khí tài hạng nặng bị phá hủy.

Bất chấp thương vong có thể tăng cao khi các đơn vị bộ binh Israel càng tiến sâu vào dải Gaza, IDF vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch trên bộ cho đến khi nào họ đạt được mục tiêu cô lập thành phố Gaza và vùng phía bắc dải đất này.

Tính đến đầu tháng 11, Israel đã triển khai ít nhất 20.000 quân đến dải Gaza nhưng giao tranh chủ yếu diễn ra ở phía bắc. (Ảnh: AP)

Tính đến đầu tháng 11, Israel đã triển khai ít nhất 20.000 quân đến dải Gaza nhưng giao tranh chủ yếu diễn ra ở phía bắc. (Ảnh: AP)

Tiến từng bước một

Theo tờ Foreign Policy, IDF lựa chọn chiến lược bao vây và cô lập phía bắc dải Gaza cũng như thành phố Gaza theo từng giai đoạn được cho là chịu sự tác động của Mỹ. Washington muốn Tel Aviv hạn chế mức thấp nhất về tổn thất dân thường khi số người Palestine thiệt mạng đã vượt qua con số 10.000.

Chiến lược bao vây và tiêu hao từng được quân đội Mỹ áp dụng khá thành công trong tấn công thành phố Fallujah (Iraq) lần thứ nhất và thứ hai vào năm 2004. Theo đó cách đánh của Israel sẽ xoay quanh việc giành quyền kiểm soát từng khu vực nhỏ một.

Từ vùng an toàn, lực lượng IDF sẽ tấn công vào cứ điểm của Hamas, sau đó rút về các khu vực an toàn để yêu cầu hỗ trợ từ hỏa lực không quân. Bước tiếp theo là tiến lên kiểm soát trận địa, quá trình này lặp đi lặp lại cho đến khi đối phương bị xóa sổ.

Nếu thuận lợi, quá trình này sẽ giúp Israel giành được ngày càng nhiều đất đai từ tay Hamas, đồng thời ngăn chặn Hamas tái bổ sung lực lượng và triển khai vũ khí đến các điểm phòng ngự.

Các quan chức cấp cao của IDF nói với Foreign Policy rằng chiến lược hiện tại sẽ cô lập, siết vòng vây và loại bỏ các chỉ huy Hamas nhưng sẽ diễn ra chậm chạp, kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên, nó giúp mang lại ít rủi ro với binh sĩ và thường dân Palestine.

Bên cạnh giao tranh trên mặt đất, quân đội Israel còn phải lưu tâm đến cuộc chiến dưới lòng đất, nơi Hamas có hệ thống đường hầm dài đến 400km, tỏa ra khắp dải Gaza.

Ông John Spencer, chủ tịch nhóm nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Diễn đàn chính sách Madison (New York), chia sẻ với tạp chí Time: "Hầu như toàn bộ năng lực quân sự của Hamas ở dưới lòng đất. Phần lớn trong đó không thể không kích".

Trong các đường hầm này, những thiết bị quân sự chủ chốt của Israel như kính nhìn đêm, công cụ liên lạc vệ tinh và hệ thống định vị GPS đều vô dụng. Do đó, Tel Aviv sẽ muốn tránh việc cử binh lính xuống các đường hầm Hamas.

Tuy nhiên, quân đội Israel vẫn sẽ cố gắng phá hủy các đường hầm mỗi khi có cơ hội. IDF sẽ làm việc này bằng cách lấp đầy xi măng, san lấp các lối ra vào hoặc dẫn nước biển vào gây ngập.

Bên cạnh đó, đơn vị công binh chuyên biệt Yahalom của IDF cũng sẽ tổ chức các trận càn trong các đường hầm với mục đích thăm dò.

Trong một tuyên bố ngày 8/11, IDF tuyên bố đã phá hủy 130 đường hầm của Hamas kể từ khi xung đột bắt đầu.

Các dữ liệu tình báo thu được từ một trận càn cung cấp thông tin cho trận càn tiếp theo. Cứ như thế, các cuộc càn quét sẽ nối đuôi nhau và đến một lúc nào đó dẫn quân Israel đến vị trí của sở chỉ huy và lãnh đạo Hamas.

Bản đồ giao tranh ở Gaza tính đến ngày 7/11. Màu tím chỉ các mũi tiến công của Israel, vùng màu đỏ chỉ khu vực bị không kích. (Ảnh: BBC)

Bản đồ giao tranh ở Gaza tính đến ngày 7/11. Màu tím chỉ các mũi tiến công của Israel, vùng màu đỏ chỉ khu vực bị không kích. (Ảnh: BBC)

Rủi ro tiềm ẩn

Mặc dù các binh sĩ Israel được huấn luyện cho cả tác chiến đô thị và dưới lòng đất, nhưng việc sử dụng lực lượng bộ binh lớn để tiến vào thành phố hoặc đường hầm sẽ khiến họ và các con tin bị giữ ở đó gặp bất lợi.

Để ngăn Hamas duy trì các hệ thống đường hầm, Israel đã cắt nguồn cung nhiên liệu cho dải Gaza trước khi thực hiện chiến dịch trên bộ. Hành động này dù khiến hệ thống địa đạo của lực lượng Hamas bị thu hẹp một phần nhưng vẫn có thể sử dụng.

Dù vậy Israel chưa có một giải pháp chắc chắn nào ngăn Hamas di chuyển giữa phía bắc và phía nam thông qua hệ thống đường hầm dù đã kiểm soát xa lộ Salah al-Din – con đường chính nối liền hai khu vực này.

Các lãnh đạo IDF hiểu rằng việc tác chiến trong các khu đô thị đông dân cư và mạo hiểm dưới lòng đất sẽ tước đi hầu hết các lợi thế công nghệ của quân đội Israel, bao gồm hệ thống giám sát, cảm biến và thiết bị liên lạc tiên tiến. Điều đó sẽ mang lại cho Hamas lợi thế cả trên và dưới mặt đất.

Ở chiều hướng ngược lại lực lượng Hamas đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng và tự tin trước việc đối phương tràn quân vào vùng đất này.

Ông Ali Barakeh, lãnh đạo chính trị cấp cao của Hamas, chia sẻ với Financial Times rằng: "Chúng tôi đã chuẩn bị cho chiến dịch tấn công mặt đất của người Israel từ trước cả khi chúng tôi tấn công. Chúng tôi có nhiều bất ngờ cho kẻ thù. Với chúng tôi, một cuộc chiến tranh trong đô thị dễ dàng hơn cuộc chiến tranh trên không".

Từ tuyên bố trên, Hamas lộ rõ ý đồ vận dụng chiến tranh đô thị nhằm khắc chế ưu thế công nghệ và sự kiểm soát trên không của Israel.

Hệ thống đường hầm trải dài hơn 400km sẽ là "vũ khí" giúp Hamas chiến đấu lâu dài với Israel. (Ảnh: Financial Times)

Hệ thống đường hầm trải dài hơn 400km sẽ là "vũ khí" giúp Hamas chiến đấu lâu dài với Israel. (Ảnh: Financial Times)

Hamas có thể làm được việc này bằng cách ép cuộc chiến đấu diễn ra trên các đường phố nhỏ hẹp, nơi lợi thế lớn nhất nằm ở sự chuẩn bị kỹ càng của bên phòng thủ. Với diện tích nhỏ bé nhưng có đến hơn 2,3 triệu người, dải Gaza không hiếm các địa điểm theo dạng này.

Tờ Financial Times dự báo chiến thuật mà Hamas sẽ sử dụng là tập kích trên mặt đất, tấn công nhanh, sử dụng bom ngụy trang để tiêu hao lực lượng Israel sau đó rút về hệ thống địa đạo.

Nhờ các đường hầm giúp Hamas có thể thoắt ẩn thoắt hiện, bất ngờ tấn công quân Israel từ những địa điểm khó lường rồi dễ dàng trốn thoát.

Bên cạnh đó, với việc giam giữ toàn bộ khoảng 240 con tin dưới lòng đất, Hamas đang khiến IDF chùn tay trong việc đưa ra các quyết định phá hủy mạng lưới đường hầm.

Điều này khiến mục tiêu tiêu diệt tận gốc lực lượng Hamas của Israel đặc biệt khó khăn. Trong trường hợp nhận thất bại chí mạng, Hamas vẫn có thể trốn qua các đường hầm và tái thiết lực lượng.

Những toan tính trên của Hamas sẽ được thực hiện bởi lực lượng khoảng 40.000 chiến binh được huấn luyện căn bản, thành thạo các chiến thuật du kích truyền thống. Đội quân này được trang bị khí tài tân tiến hơn cuộc chiến với Israel hồi năm 2014 khá nhiều, bao gồm máy bay không người lái (drone), súng máy, súng trường chiến đấu AK-103, tên lửa đất đối không do các đồng minh viện trợ...

Đặc biệt, Hamas còn có sự phục vụ của một loạt xưởng vũ khí rải rác khắp Gaza. Các xưởng này tự chủ được việc sản xuất đa dạng loại rocket, với tầm bắn lên đến 250km.

Theo Bộ Tài chính Israel, xung đột ở Gaza có thể khiến Tel Aviv tiêu tốn tới khoảng 51 tỷ USD. (Ảnh: New York Times)

Theo Bộ Tài chính Israel, xung đột ở Gaza có thể khiến Tel Aviv tiêu tốn tới khoảng 51 tỷ USD. (Ảnh: New York Times)

Một vấn đề lớn khác đối với Israel bên cạnh các đường hầm của Hamas đó là ngân sách dành cho chiến dịch quân sự ở dải Gaza. Bộ Tài chính Israel ngày 8/11 cho biết thâm hụt ngân sách trong một năm qua của nước này (tính đến tháng 10/2023) đã tăng lên 47,2 tỷ shekel (12,28 tỷ USD), tương đương 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mức thâm hụt này chịu tác động lớn của cuộc xung đột hiện tại.

Chiều hướng thâm hụt trong một năm qua hoàn toàn trái ngược so mức thặng dư ngân sách 8 tỷ shekel ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 10/2022.

Chỉ riêng trong tháng 10/2023 chi ngân sách hằng tháng của Israel lên tới 54,9 tỷ shekel (14,3 tỷ USD), tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nguồn thu giảm 16,4% xuống 32 tỷ shekel (8,3 tỷ USD). Thâm hụt ghi nhận ở mức 22,9 tỷ shekel (5,9 tỷ USD), tăng hơn 7 lần so với tháng 10 năm ngoái.

Theo Bộ Tài chính Israel, chi tiêu ngân sách tăng do chi phí quốc phòng tăng cùng với các khoản trả trước cho các nhà cung cấp, chính quyền địa phương và cá nhân để hỗ trợ nền kinh tế Israel trong giai đoạn xung đột.

Bên cạnh đó, thu từ thuế sụt giảm, một phần là do chính phủ nước này cho phép hoãn nộp thuế nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và hộ gia đình trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Còn theo Calcalist - tờ báo tài chính hàng đầu của Israel dẫn ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính nước này cho biết, cuộc xung đột ở Gaza có thể khiến Tel Aviv tiêu tốn tới 200 tỷ shekel (khoảng 51 tỷ USD).

Theo tờ Calcalist, mức chi phí trên tương đương 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel, được tính toán dựa trên giả định cuộc xung đột kéo dài từ 8 đến 12 tháng, chỉ giới hạn ở Gaza, không có sự tham gia của bên ngoài và khoảng 350.000 quân nhân dự bị của Israel sẽ sớm trở lại làm việc.

Trước tình hình trên, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã hạ dự báo triển vọng kinh tế của Israel từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực," trong khi Moody's và Fitch cũng đang xem xét có thể hạ mức xếp hạng của quốc gia Trung Đông này.

Trà Khánh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn