Thương mại hóa thành công phức hệ Nano FGC trên thị trường

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 06/01/2018 16:45:00 +07:00

Sau nhiều lần hẹn gặp, hôm nay tôi đã may mắn được trò chuyện cùng TS. Hà Phương Thư - nhà khoa học nữ với nhiều thành công nổi bật trong hai năm trở lại đây về lĩnh vực nghiên cứu vật liệu Nano cũng như ứng dụng, thương mại hóa trên thị trường.

Tiếp tôi vào một chiều mùa đông giá lạnh nhưng căn phòng làm việc nhỏ tại Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn ấm áp bởi nhiệt huyến trong từng câu nói, giọng cười của chị, hào hứng kể về những thành quả của công trình nghiên cứu Phức hệ Nano FGC.

Chị nói, chị rất trân trọng các nhà báo, vì nhờ công tác truyền thông nói chung và tuyên truyền cho khoa học công nghệ nói riêng mà kết quả nghiên cứu của chị đã đến được với doanh nghiệp.

“Có thể nhà khoa học đôi khi còn ngại các nhà báo vì những ngôn ngữ khoa học khá phức tạp, đôi lúc việc chuyển tải chưa được đầy đủ, đúng ý tới công chúng. Nhưng tôi nghĩ nhà khoa học cần có tinh thần nhà báo và ngược lại, để hai bên tìm được tiếng nói chung, từ đó giúp thông tin về KHCN được chuyển tải nhanh chóng”, chị nhấn mạnh.

Rồi chị kể về cơ duyên khi được Hội Nữ trí thức Việt Nam lựa chọn tham gia chương trình “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ và Nghiên cứu khoa học” từ năm 2013. Chương trình tọa đàm có sự phối hợp của Cục Sở hữu trí tuệ và Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), phát sóng trên kênh VTC1 và Báo điện tử VTC News.

“Đó là một chương trình tọa đàm rất hay và có ý nghĩa, tôi đã có cơ hội được giao lưu cùng với doanh nghiệp, các chuyên gia và các nữ trí thức tiêu biểu để chia sẻ các kết quả nghiên khoa học của mình về nano cucurmin”, chị hào hứng kể.

Quỹ Innofund – bước ngoặt trong quá trình sản xuất nguyên liệu

Từ chương trình này, chị đã được doanh nghiệp biết đến nhiều hơn cũng như gặp gỡ, đặt vấn đề hợp tác để chuyển giao nguyên liệu nghiên cứu tại Viện vào sản xuất quy mô công nghiệp thành sản phẩm phân phối trên thị trường. Trong số đó phải kể đến thành công trong việc chuyển giao nguyên liệu cho Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI vào tháng 10/2016 để sản xuất CumarGold Kare hoàn toàn từ thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam (tam thất, nghệ vàng và rong biển) phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung bướu.

“Những năm trước, chúng tôi sản xuất vô cùng khó khăn vất vả, mỗi tháng phòng  thí nghiệm chỉ sản xuất được khoảng 10-15kg với máy móc thiết bị quy mô nhỏ. Đến cuối năm 2016, khi nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Innofund  để mở rộng sản xuất Phức hệ nano FGC thông qua dự án mang tên “Ứng dụng công nghệ nano để sản xuất thực phẩm chức năng: Nano (Fucoidan-Curcumin-Ginseng) dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung bướu”, chúng tôi đã nâng công suất nguyên liệu lên 60 kg/tháng”. Chị vui mừng nhớ lại thành công khi vượt qua các vòng tuyển chọn để đạt được nguồn hỗ trợ từ Quỹ này.

DSC_2026

TS. Hà Phương Thư và các đồng nghiệp nghiên cứu phức hệ Nano FGC tại Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 

Đây là bước ngoặt quan trọng, giúp chị và các cộng sự tự tin sản xuất để chuyển giao đủ nguyên liệu cho công ty CVI, đảm bảo cung cấp sản phẩm CumarGold Kare cho thị trường thời gian đó.

Sản phẩm ra đời được sự đón nhận nồng nhiệt của khách hàng, và trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2017, khi có thêm sự đầu tư về máy móc, thiết bị từ phía công ty CVI và nhóm nghiên cứu, công suất nguyên liệu đã tiếp tục tăng lên gấp đôi (120 kg/tháng) để cung ứng đều đặn 20.000 hộp thuốc /tháng cho nhu cầu khách hàng trên khắp cả nước.

“Nếu bây giờ cần đầu tư thêm nhiều hơn nữa để nâng công suất, bản thân nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp cũng sẵn sàng”, chị tự tin cho biết.

Chỉ cần có sự hỗ trợ đúng đắn, đúng sản phẩm tiềm năng mà một số quỹ đầu tư nói chung cũng như Quỹ Innofund nói riêng đã tạo đà giúp cho công trình nghiên cứu về Phức hệ Nano FGC tiến xa hơn trên con đường chinh phục doanh nghiệp.

“Nhờ doanh số cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp tăng cao trong năm 2017 mà thu nhập của các thành viên trong nhóm nghiên cứu tăng lên nhiều, chúng tôi đã tuyển thêm một số nghiên cứu viên để vừa kết hợp nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng theo hướng này”.

Chị cho biết thêm: “Để có được thành công như hôm nay, tôi phải cảm ơn các đồng nghiệp của mình rất nhiều, họ là những người luôn tâm huyết, đam mê khoa học và đoàn kết gắn bó. Đặc biệt Ban lãnh đạo Viện Khoa học vật liệu luôn quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, cơ chế quản lý rõ ràng, tạo mọi điều kiện cho nhóm nghiên cứu hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra”.

Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, chị cho biết, hiện nay quy trình nghiên cứu và sản xuất đã đầy đủ và sẵn sàng, nếu nhu cầu sản phẩm năm 2018 có tốc độ tăng trưởng 100% như năm 2017, chúng tôi vẫn đáp ứng kịp thời. 

Các giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của TS. Hà Phương Thư trong nghiên cứu khoa học

Năm 2001, chị dành được  Học bổng thực tập sinh tại Viện công nghệ Tokyo Nhật Bản.

Năm 2004, chị tiếp tục dành được Học bổng Sau tiến sĩ (Post-doc) tại Trung tâm Năng lượng Nguyên tử Cộng hòa Pháp.

Năm 2012, TS Hà Phương Thư nhận được học bổng L'Oréal-UNESCO với đề án “Nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư”.

Năm 2013, chị được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng trong ngày Phụ nữ sáng tạo.

_DSC0109 3

TS. Hà Phương Thư - Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 

Năm 2016, chị thương mại hóa thành công nguyên liệu Phức hệ Nano FGC cho Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI.

Năm 2017, là năm ghi dấu nhiều thành công nổi bật của TS Hà Phương Thư: chị lọt vào danh sách “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017” do Forbes Việt Nam bình chọn vào ngày 8/3; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vào ngày 20/10 và được bình chọn là một trong 02 nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam nằm trong danh sách 10 sự kiện KHCN nổi bật của năm.

Khi ra về, chị lại không quên bắt tay, chào tôi với giọng nói miền trung thân thương như mọi lần “Cảm ơn nhà báo trẻ nhé, tôi luôn tin tưởng và đề cao vai trò truyền thông của các bạn đối với KH&CN”.

Câu nói này khiến tôi nhớ lại một chia sẻ của TS. Hà Phương Thư về CVI, một công ty luôn đặt niềm tin vào các nhà khoa học Việt trong quá trình phát triển doanh nghiệp vươn tầm thế giới. Và theo quan điểm của chị, dù sản xuất ở quy mô nhỏ thì nhà khoa học vẫn cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, không chỉ để hỗ trợ kinh phí sản xuất mà còn đem lại niềm tin về sản phẩm có đầu ra, có khách hàng và mang lại giá trị đích thực cho cuộc sống.

Còn đối với chúng tôi, những nhà báo chuyên viết về mảng KHCN đầy khó khăn này thì một bài báo hay, cung cấp đầy đủ thông tin và được nhiều độc giả đón nhận lại rất cần sự tin tưởng, hợp tác nhiệt tình từ phía các nhà khoa học, mà chị là hình mẫu tiếp thêm nghị lực cho tôi phấn đầu đóng góp một phần nhỏ trong công cuộc thương mại hóa thành công kết quả nghiên cứu của Nhà khoa học Việt ra thị trường.

Đế Đô
Bình luận
vtcnews.vn