Thông điệp bí ẩn trong bức tranh 'Tiếng thét' nổi tiếng

Khám pháThứ Tư, 24/02/2021 14:31:11 +07:00
(VTC News) -

Họa sỹ Edvard Munch khéo léo giấu thông điệp trong bức tranh "Tiếng thét" nổi tiếng của mình.

Dòng chữ "Chỉ có thể là do người điên vẽ" viết rất nhỏ ở góc trái trên cùng của bức tranh từ lâu trở thành đề tài tranh cãi trong giới khoa học.

Một số giả thiết cho rằng kẻ phá hoại nào đó đã để lại bút tích này vì không hài lòng với họa sỹ. Nhưng một phân tích mới đây chỉ ra rằng dòng chữ này do chính họa sỹ người Na Uy lưu lại. 

Các chuyên gia tới từ Bảo tàng Na Uy sử dụng công nghệ để phân tích dòng chữ này và so sánh nó với chữ viết trong các bức thư và nhật ký của Munch. 

Thông điệp bí ẩn trong bức tranh 'Tiếng thét' nổi tiếng - 1

Dòng chữ bí ẩn nằm ở góc trái trên cùng của bức ảnh. 

“Chắc chắn là chữ viết của Munch. Bản thân nét chữ cũng như các sự kiện xảy ra vào năm 1895, khi Munch trưng bày bức tranh lần đầu tiên ở Na Uy, tất cả đều hướng về cùng một đáp án”, Mai Britt Guleng – người phụ trách tại bảo tàng khẳng định. 

Theo Guleng, thông điệp này dường như là một "tuyên bố về sự tổn thương" của tác giả. 

Munch tạo ra bốn phiên bản của "Tiếng thét" - hai bằng sơn và hai bằng phấn màu. Khi phiên bản đầu tiên được công bố, nó nhận về hàng loạt chỉ trích cũng như những đồn đoán về sức khỏe của vị họa sỹ tài ba. 

Thông điệp bí ẩn trong bức tranh 'Tiếng thét' nổi tiếng - 2

Bút tích để lại khớp với chữ viết của vị họa sỹ Na Uy. 

Người ta tin rằng chính những đả kích này khiến Munch bị tổn thương và để lại dòng chữ có nội dung như trên.

Cha và chị gái của Munch đều bị trầm cảm. Munch phải nhập viện sau khi bị suy nhược thần kinh vào năm 1908. 

Diệu Hoa(Nguồn: The Independent)
Bình luận
vtcnews.vn