Quan chức Quốc hội: Quyết không để giàn khoan thứ 2 vào biển Đông

Thời sựThứ Sáu, 20/06/2014 07:44:00 +07:00

(VTC News) - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng Việt Nam phải quyết liệt ngăn cản, lên án không để gian khoan thứ 2 lặp lại như giàn khoan 981.

(VTC News) -  Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng nếu giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc có xu hướng vi phạm vùng biển Việt Nam, phải kịp thời có biện pháp quyết liệt cản trở.

Ngày 18/6, truyền thông Trung Quốc thông tin nước này đang tiếp tục đưa giàn khoan Nam Hải số 9 ra vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Trước thông tin này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đề xuất Quốc hội nên dành thời gian để ra nghị quyết về tình hình biển Đông trước những diễn biến mới, hết sức phức tạp.

Chiều 19/6, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội -  Trần Văn Hằng cho biết, quan điểm cá nhân ông, đến thời điểm chưa cần thiết phải ra một nghị quyết hay một tuyên bố của kỳ họp Quốc hội thứ 7 về vấn đề biển Đông.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng

“Nhưng lời phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đặc biệt là thông cáo số 2 của kỳ họp là một hình thức tuyên bố mạnh nhất thể hiện thái độ quyết liệt và rõ ràng của Quốc hội Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Mới đây, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có thông báo về vấn đề này gửi đến nghị viện tất cả các nước trên thế giới, các đại sứ của ta cũng tiếp cận các nghị viện, trao công hàm, chuyển thư và nghị viện các nước cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam”, ông Hằng nói.


 

Nếu giàn khoan có xu hướng vi phạm vào vùng biển của chúng ta, phải kịp thời có biện pháp quyết liệt cản trở

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng
 
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội nhắc lại thông cáo số 2 của kỳ họp Quốc hội đã khẳng định: “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam… vi phạm luật pháp, cam kết quốc tế và thỏa thuận giữa hai Ðảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.

Quốc hội Việt Nam kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam”.


“Thể theo nguyện vọng nhân dân, cử tri cả nước, thông cáo số 2 của kỳ họp là hết sức mạnh mẽ đối với vấn đề giàn khoan 981. Vấn đề là chúng ta phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hoà bình, trên thực địa cũng như không loại trừ cả biện pháp pháp lý”, ông Hằng phân tích thêm.

Giàn khoan Nam Hải số 9
Giàn khoan Nam Hải số 9 

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại cũng thông tin thêm, Quốc hội Việt Nam đã gửi thư cho tất cả các ủy ban đối ngoại và nghị viện trên thế giới để thông tin cho họ tình hình thực tế ở biển Đông và sự vi phạm của Trung Quốc. Các nước cũng nghiên cứu tiếp cận thông tin và một số nước có phản ứng mạnh, một số nước có phản ứng nhất định và nhiều nước đang có chương trình họp ủy ban đối ngoại để có phản ứng phù hợp với tình hình.


Hiện nay, hàng ngày các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa vẫn duy trì việc bảo vệ chủ quyền, các hoạt động đấu tranh hòa bình vẫn tiếp diễn và tình hình thực tế cho thấy họ cũng có sự điều chỉnh.

“Vì vậy tôi thấy rằng chưa cần thiết phải ra một nghị quyết hay tuyên bố về vấn đề biển Đông cũng như không cần thiết điều chỉnh tăng thêm thời gian để Quốc hội bàn về vấn đề biển Đông”- ông Hằng nêu quan điểm.

Về việc giàn khoan thứ 2 này có tên Nam Hải số 9, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang dịch chuyển đưa vào biển Đông, ông Trần Văn Hằng cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ.

“Nếu giàn khoan có xu hướng vi phạm vào vùng biển của chúng ta, phải kịp thời có biện pháp quyết liệt cản trở, lên án để không lặp lại như giàn khoan 981”, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội khẳng định.

Bình luận về sự việc này, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết hiện chưa nắm rõ hướng đi của giàn khoan Nam Hải số 9 và lực lượng chức năng cần theo dõi chặt chẽ.

“Tất nhiên, Việt Nam cùng các các nước liên quan đến biển Đông, biển Hoa Đông phải theo dõi giàn khoan này vì việc dịch chuyển giàn khoan là đều nằm trong kế hoạch từ trước”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn