Thơ Nguyễn Thế Kỷ và nỗi đau đáu về Hoàng Sa, Trường Sa

Chính trịThứ Năm, 30/04/2020 15:30:00 +07:00
(VTC News) -

Những câu thơ lay động tâm can khi khắc họa hình ảnh người lính nơi biển xa và khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Ghi lại lịch sử biển đảo bằng thơ ca

Góp thêm vào những trang thơ hào hùng về Tổ quốc, về Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương có những bài thơ, những câu thơ đặc sắc, cứa vào tâm can người đọc, được nhiều người nhớ và yêu thích. Tiêu biểu trong số đó là ba bài thơ “Trường Sa” (1994), “Thao thức Trường Sa” (2012) và “Tổ quốc” (2015).

Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, cảm quan về đất nước, về dân tộc, về nhân dân, nhất là với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu luôn thường trực, đau đáu trong tâm khảm, tâm thức mỗi người Việt Nam, dù sống trên quê hương hay ở nơi xa ngái. Với Nguyễn Thế Kỷ, mỗi bài báo, bài thơ, câu thơ của ông về chủ đề rất lớn, rất thiêng liêng này được viết nên bằng những đêm trăn trở, những ngày suy nghĩ, day dứt

"Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc

Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa

Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão

Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà“

                                     (Tổ quốc).

Thơ Nguyễn Thế Kỷ và nỗi đau đáu về Hoàng Sa, Trường Sa - 1

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ (Ảnh: Minh Tuấn)

Bài thơ ”Trường Sa” là tác phẩm ra đời rất sớm, năm 1994, 6 năm sau thời điểm quân xâm lược Trung Quốc nổ súng dã man vào các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đang canh giữ đảo Gạc Ma ở huyện đảo Trường Sa (14/3/1988).

Máu đào của 64 chiến sỹ Hải quân dũng cảm, ngoan cường đã tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Mở đầu bài thơ “Trường Sa”, Nguyễn Thế Kỷ khẳng định tính lịch sử và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Trường Sa.

"Biển xanh ôm ấp trời xanh

Rồng Tiên thuở ấy sinh thành Trường Sa

Trùng khơi nào có ngái xa

Long lanh hạt cát đã là quê hương..."

Theo nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, Trường Sa, Hoàng Sa là những địa danh mà mỗi khi nhắc đến đều trở thành nỗi nhớ thương khắc khoải, niềm thiêng liêng cao cả, lòng xúc động sâu xa đối với bất cứ người Việt Nam nào. Đó là xương cốt, máu thịt, tim óc, hình hài của Tổ quốc. Hình ảnh, hình tượng thân thương, xúc động nhất là những cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm chắc tay súng, vững tay chài vùng biển đảo tiền tiêu ở Trường Sa.

"…Ở đây chẳng có gì riêng

Lá thư chung đọc, nỗi niềm chung lo

 Đêm vui chung một câu hò

Nhớ thương chung một cánh cò hoàng hôn…"

Video: Hợp xướng "Tổ quốc" (Thơ: Nguyễn Thế Kỷ, Nhạc: Lê Quang)

Tác giả cho biết, tất cả các chiến sỹ ở Trường Sa đều là con em của nhiều vùng quê trong cả nước. Họ đến Trường Sa là để canh giữ, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước giữa trùng khơi, như bao thế hệ cha ông đã đổ máu và mồ hôi. Họ là hiện thân của hòa bình, công lý, chính nghĩa.

"…Sơn Ca, Song Tử, Sinh Tồn

Thuyền Chài, Vĩnh Viễn…gửi hồn cha ông

Trường Sa nắng nỏ bão giông

Cây phong ba với thành đồng lòng ta

Góc vường xanh với tiếng gà

Cây súng thép với lời ca ngọt ngào…"

“Chỉ khi kẻ thù đẩy chúng ta đến giới hạn cuối cùng, buộc chúng ta cầm súng, chúng ta mới làmđiều đó một cách bình tĩnh, hiên ngang, quả cảm”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ nói.

Kết thúc bài thơ “Trường Sa” là giấc mơ của những người nông dân trẻ cầm súng được trở về với mảnh ruộng, bờ tre, con trâu, cái cày nơi xóm mạc.

 "…Đêm qua trong giấc chiêm bao

Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng

Luống thao thiết bên sông

Và tung sóng trắng điệp trùng Trường Sa"

Mơ về bên luống cày, nhưng ngay cả khi được như thế, dù chỉ là mơ, thì người nông dân mặc áo lính ấy vẫn không quên, không nguôi về Trương Sa yêu thương.

Thương nhớ Trường Sa

Nếu bài thơ “Trường Sa” là bài thơ khắc họa những người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió, thì bài “Thao thức Trường Sa” của Nguyễn Thế Kỷ là tâm sự rất thật, rất gần của tác giả ở thời điểm đêm trước khi con tàu hải quân nhổ neo về đất liền sau một hải trình hơn 12 ngày giữa trùng khơi.

Thời điểm ấy, tác giả đang giữ cương vị Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, được giao giúp Trưởng ban mảng công tác báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. 

“Trường Sa ơi, ngày mai tàu rời bến

Ta lại về phố thị thân thương

Vòng tay ấm bữa cơm sum họp

Và riêng, chung bao chuyện vui buồn…”

Là người làm báo, làm văn, thơ, Nguyễn Thế Kỷ rất nhạy cảm trước những “cơn bão” của “thời tiết chính trị” ở khu vực và thế giới, nhất là ở Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.

“…Biển dẫu yên mà lòng ta lại động

Lắng tin xa những cơn bão chập chờn

Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi

Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn…”

Thơ Nguyễn Thế Kỷ và nỗi đau đáu về Hoàng Sa, Trường Sa - 2

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ trong một lần đến thăm Trường Sa năm 2012.

Trong thơ Nguyễn Thế Kỷ, hình ảnh những cơn bão xuất hiện khá nhiều “…Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm…”, “…Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ”,…Ào ạt mất ngàn năm,Thánh Gióng… ” (Tổ quốc)… Gió hồng hoang ào tạt phía Hoàng Sa…” (Thao thức Trường Sa).

Và, dĩ nhiên, hầu hết các “cơn bão” đó đều xuất phát từ phương Bắc, từ kẻ láng giềng to xác, tham lam, âm mưu độc chiếm Biển Đông với “yêu sách đường lưỡi bò” phi pháp, phi nghĩa. Họ đã và đang mang dòng máu bá quyền nước lớn xâm lược Hoàng Sa và giờ đây đang lăm le đánh chiếm Trường Sa. Trước những “cơn bão” dữ dằn, độc ác như thế, tác giả và tất cả chúng ta đều gửi gắm tình cảm, niềm tin mãnh liệt nơi các chiến sỹ Trường Sa.

“…Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt

Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời

Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn

Đêm mơ còn nũng nịu gọi mẹ ơi…”

Trước hình ảnh, hình tượng người lính Trường Sa trẻ trung mà hiên ngang, nhỏ nhoi trong không gian mà “lồng lộng biển trời” kiêu hãnh, tác giả viết tiếp.

“… Muốn ôm ghì bãi san hô - chiến lũy

Những pháo đài dâng sóng Bạch Đằng Giang

Khi Đá Lát, Sinh Tồn, Song Tử

 Lúc dịu dàng Tiên Nữ, An Bang…”

Video: Thao thức Trường Sa (Sáng tác: Nguyễn Thế Kỷ, Biểu diễn: Nghệ sỹ Băng Tâm)

Trước không gian ấy, đặc biệt là trước những con người quả cảm ấy, ta bỗng thấy ta bé nhỏ, bình thường. Và, kỳ diệu thay, ra Trường Sa, gặp những người lính trẻ ở Trường Sa, ta tự thấy mình lớn lên, mạnh mẽ hơn, rắn rỏi và vững vàng hơn.

“…Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ

Tựa mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn

Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác

Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở, trường tồn…”

Bài thơ “Tổ quốc” được tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết đúng trong ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 2015. Cảm xúc đầu tiên của nhà thơ  là nỗi đau xót, tiếc thương, kiêu hãnh về sự hy sinh xương máu của cha ông từ thuở xưa đến nay và có thể mai sau nữa. Tất cả là để giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

“Nếu có thể đo xương máu tiền nhân

Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được

Bao người mẹ, người vợ, người em…nước mắt

Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng

Bão Trường chinh ào ạt mấy ngàn năm…”

Nhân dân mình, dân tộc mình đánh giặc và giữ nước ngay từ thuở khai thiên lập địa.

“…Ào ạt mất ngàn năm,châu thổ

Những bờ đê chặn lũ, ngăn thù

Cùng bọc trứng các con đi muôn ngả

Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn đảo xa

Ào ạt mất ngàn năm, Thánh Gióng

Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà…”

“Xương máu của những người đã khuất còn hơn cả dãy Trường Sơn, máu đó và nước mắt đó hơn cả nước của Hồng Hà và Cửu Long”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ tâm sự.

“…Chẳng thể dịu nỗi Rạch Gầm, Xoài Mút

Hiền Lương, Khâm Thiên, Sơn Mỹ, Thổ Chu

Máu Vị Xuyên, Gạc Ma bầm chát

Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu…”

Theo nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, xác giặc dù có xếp chồng như ải Chi Lăng, gò Đống Đa, sông Bạch Đằng, nhuộm đỏ cả sông Hồng, sông Cửu Long…cũng không thể nguôi ngoai những mất mát, đau thương mà người dân Việt Nam ngàn đời nay phải gánh chịu. Ít có một dân tộc, đất nước nào mà đi đâu cũng gặp các nghĩa trang để khắc ghi sự hy sinh cao cả của những người đã khuất, từ đời này sang người khác và khắc ghi tội ác của kẻ thù.

Thông điệp tình yêu thiết tha biển đảo

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, do địa chiến lược của Việt Nam nên đất nước ta, dân tộc ta luôn phải đương đầu với muôn vàn thử thách to lớn, dữ dội, phải gánh chịu bao mất mát, đau thương.

“…Mấy ngàn năm Vọng Phu xứ Bắc

Phụ Tử bùi ngùi doi đất trời Nam

Những cuộc chia lý, những vành khăn trắng

Chẳng nguôi ngoai dù xác giặc chất chồng…”

Nhiều thế lực phong kiến, đế quốc, thực dân, bá quyền luôn nhòm ngó, âm mưu thôn tính mảnh đất hình chữ S này để đặt bàn chân sói lang lên khu vực Đông Nam Á và cả châu Á. Hàng trăm, hàng chục cuộc chiến tranh lớn nhỏ dày xéo đất nước này, trong đó nhiều cuộc chiến tranh kẻ thù đi từ phía biển. Nhưng kẻ thù dù hung hãn, xảo quyệt và tàn bạo đến đâu, chúng đều bị dân tộc Việt Nam đánh cho tan tác.

“…Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ).

 “Như Lý Thường Kiệt từng tuyên bố “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” - Đây là điều hoàn toàn chính xác, từ trước tới nay và kể cả tương lai, bất kể là kẻ thù từ phương Đông, hay phương Tây”, phía Nam hay phía Bắc, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ khẳng định.

Tác giả cho biết, thông qua những bài thơ, câu thơ của mình, ông muốn góp tiếng nói của lực lượng báo chí, văn hóa, văn nghệ “khẳng định niềm tự hào, trách nhiệm, tâm huyết của con dân đất Việt với dân tộc mình, nhân dân mình, Tổ quốc mình”, đồng thời bày tỏ sự biết ơn, tin tưởng đối với cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là Trường Sa thân yêu và Hoàng Sa trong giông bão.

“Tôi muốn truyền đến cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thông điệp về tình yêu Tổ quốc, với biển đảo, với Hoàng Sa và Trường Sa. Những vần thơ của tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bất chấp việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để “quản lý” Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam một cách ngang ngược và phi pháp.

Chính họ đã trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật biển năm 1982 của LHQ, vi phạm Thỏa thuyện về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và gây rất nhiều cản trở cho việc thiết lập bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông(COC)”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Minh Tuấn-Diệu Hoa (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn