Thí sinh cần lưu ý gì về phương thức tuyển sinh của các trường năm 2021?

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 23/01/2021 15:24:00 +07:00

Nhiều trường đại học công bố thông tin tuyển sinh, phần lớn giữ nguyên phương thức giống năm 2020.

Đại học Ngân hàng TP.HCM mới đây công bố kế hoạch tuyển sinh 2021 với 3.280 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo. Phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (80% chỉ tiêu).

Ngoài ra, ưu tiên xét tuyển và xét học bạ theo quy chế riêng chiếm khoảng 12% tổng chỉ tiêu. 8% còn lại dành cho phương thức xét tuyển qua kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Thí sinh cần lưu ý gì về phương thức tuyển sinh của các trường năm 2021? - 1

Nhiều trường đại học bổ sung phương thức tuyển sinh mới. 

Năm 2021, Đại học Mở TP.HCM có thêm phương thức tuyển sinh mới. Cụ thể, nhà trường sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh có tổng điểm bài thi tú tài quốc tế (IB) trên 26, kết quả thi SAT đạt từ 1100/1600. Với chứng chỉ A-level, thí sinh phải có điểm 3 môn hoặc nhiều hơn, mỗi môn đạt điểm C trở lên.

Ngoài ra, thí sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng khi có chứng chỉ ngoại ngữ, đủ điều kiện xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) và đạt điểm IELTS (hoặc các chứng chỉ khác có hệ quy đổi tương đương).

Riêng ngành ngôn ngữ, thí sinh phải đạt IELTS từ 6.0 trở lên, các ngành còn lại phải có IELTS từ 5.5.

Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh theo 6 phương thức, trong đó có phỏng vấn.

Trong 5.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy năm 2021, xét tuyển theo hình thức phỏng vấn chiếm 1-5%.

Chỉ tiêu xét tuyển của 5 hình thức còn lại bao gồm: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (30-60%), xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (30-70%), xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (1-5%), xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM (15-25%), xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (1-5%).

Đại học Luật TP.HCM lấy 2.100 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo. Năm nay, trường bổ sung 7 tổ hợp môn và dành tối thiểu 65% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021.

35% còn lại, trường dùng để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Các thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi HSG quốc gia, đã tốt nghiệp năm 2021 được xét thẳng.

Những thí sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển thẳng cần có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc có kết quả SAT (trên 1.100/1.600). Điểm cần lưu ý là chứng chỉ phải có giá trị đến ngày 30/6/2021.

Ngoài ra, thí sinh phải có điểm tổng kết 5 học kỳ THPT (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 21 trở lên.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến trong năm 2021 của Đại học Tôn Đức Thắng giảm 80 so với năm trước. Theo đó, trường tuyển sinh 6.500 theo 4 hình thức: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xét tuyển theo kết quả quá trình học tập THPT (học bạ), xét tuyển thẳng, ưu tiên xét theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường.

Thí sinh có nguyện vọng vào Đại học Quốc tế Hồng Bàng có thể chọn một hoặc nhiều phương thức xét tuyển. Năm 2021, trường xét tuyển theo 5 phương phức.

Cụ thể, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (50% tổng chỉ tiêu), xét kết quả học bạ (38% tổng chỉ tiêu), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường (8% tổng chỉ tiêu), xét kết quả kỳ thi SAT (2% tổng chỉ tiêu), xét tuyển thẳng (2% tổng chỉ tiêu).

Đặc biệt, lần đầu tiên Đại học Quốc tế Hồng Bàng áp dụng phương tức xét tuyển thẳng đối với tất cả ngành dựa trên hình thức phỏng vấn và các điều kiện kèm theo yêu cầu của từng ngành.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp