Tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế địa phương Việt Nam - Pháp

Thời sự quốc tếThứ Ba, 11/04/2023 19:07:00 +07:00
(VTC News) -

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 được kỳ vọng góp phần phát huy thế mạnh địa phương hai quốc gia, qua đó tăng cường hợp tác kinh tế.

Với chủ đề "Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch COVID-19", Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 được kỳ vọng góp phần phát huy thế mạnh địa phương hai quốc gia, qua đó tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế.

Trả lời tại họp báo chiều 11/4, bà Ngô Minh Hoàng - Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội - cho biết, dự kiến, tại hội nghị lần thứ 12, có 4 cặp địa phương sẽ kí kết văn bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến các nội dung hợp tác.

Hội nghị được thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức từ ngày 13 - 16/4/2023 với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Hiệp hội các địa phương Pháp. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023.

Tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế địa phương Việt Nam - Pháp  - 1

Hội nghị được thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức từ ngày 13 - 16/4/2023. (Ảnh: BTC)

Hiện các công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và y tế, phòng chống dịch cho hội nghị đã được hoàn thành. 

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp là cơ chế trao đổi thường kỳ duy nhất giữa các địa phương Việt Nam với địa phương các nước, diễn ra 3 năm/lần, là dịp để địa phương hai nước gặp gỡ, trao đổi về các chủ đề cùng quan tâm, đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đô thị, môi trường.

Hội nghị lần thứ 12 là dịp tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp; trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách quan hệ hợp tác, liên kết và thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy” giữa Việt Nam và Pháp; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các mối quan hệ đối tác mới.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 4 phiên hội thảo chuyên đề: Đô thị bền vững; Môi trường, nước và xử lý nước; Văn hóa, Di sản và Du lịch; Thành phố thông minh và Số hóa.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 dự kiến có sự tham gia của 50 địa phương Việt Nam, 12 địa phương Pháp với trên 800 đại biểu của cả phía Việt Nam và Pháp.

Cơ chế hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France.

Đến nay, đã có trên 33 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 24 địa phương của Pháp hợp tác với 55 dự án và thỏa thuận hợp tác cấp địa phương. Các dự án hợp tác tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của địa phương Việt Nam và thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn - bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn. 

Bảo tồn các công trình biệt thự cổ, di tích tại Hà Nội

Chia sẻ tại họp báo, đại diện quận Hoàn Kiếm cập nhật thông tin về dự án trùng tu biệt thự tại số 49 Trần Hưng Đạo. Từ ngày khởi công, dự án đã có sự phối hợp với các chuyên gia, kiến trúc sư của Pháp trong các khâu, hướng đến bảo tồn tối đa yếu tố gốc của công trình. Về cơ bản, dự án đã hoàn thành các hạng mục chính, bao gồm kiến trúc bên ngoài và hiện đang triển khai thi công nội thất.

Ngoài ra, đối với các công trình khác, toàn bộ các biệt thự trên địa bàn quận đang kiểm định theo kế hoạch của thành phố để tiến hành tu bổ. Trong năm 2023, có khoảng 7 công trình được thực hiện với các nguồn vốn khác nhau từ các cá nhân và tổ chức.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về tu bổ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đại diện Sở Văn hóa cho biết, theo chương trình, có 5 hạng mục đang được đăng ký để xây dựng phân bổ ngân sách đầu tư cho công tác tu bổ, bao gồm Khuê Văn các, điện đại, cổng chính, đường xung quanh miếu và hồ Văn. Các dự án dự kiến sẽ được triển khai vào các năm tới.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn