Tân Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lần đầu dự phiên họp Chính phủ

Chính trịThứ Bảy, 03/06/2023 10:21:00 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, đây cũng là lần đầu tiên tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tham dự.

Sáng 3/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngay trong phần phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên tham dự phiên họp Chính phủ.

Ông Đặng Quốc Khánh được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 22/5, thay cho Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đang kiêm nhiệm. 

Tân Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lần đầu dự phiên họp Chính phủ - 1

Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức trong thời điểm sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội.

Theo người đứng đầu Chính phủ, vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương, nên Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, đề ra giải pháp xử lý, tháo gỡ.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.

Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%)...

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán. 

Tân Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lần đầu dự phiên họp Chính phủ - 2

Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Báo cáo nêu rõ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh…

Việc này đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.000 tỷ đồng.

Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ tiếp tục tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. 

Dù vậy, Chính phủ nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường.

Trong khi đó, điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực, thu ngân sách Nhà nước thời gian tới có thể bị tác động mạnh do sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn...

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kiến nghị, đề xuất theo Quyết định số 435 của Thủ tướng.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn