Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái: Chỉ số hạnh phúc đo bằng sự hài lòng của người dân

Chính trịThứ Hai, 28/09/2020 06:45:00 +07:00
(VTC News) -

Nói về chỉ số hạnh phúc - “nét đặc sắc của Yên Bái” trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tân Bí thư Tỉnh uỷ cho biết chỉ số này đo bằng sự hài lòng của người dân.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX khép lại với một trong những dấu ấn nổi bật mang tên "chỉ số hạnh phúc" được đưa vào nghị quyết. Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ với VTC News về những hướng đi cụ thể về phát triển kinh tế xã hội mà Yên Bái chọn để người dân hài lòng và hạnh phúc.

Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái: Chỉ số hạnh phúc đo bằng sự hài lòng của người dân - 1

Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy.

- Được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, cảm xúc của ông có gì khác so với cách đây 3 năm khi ông được Trung ương điều động về làm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái?

Cách đây 3 năm, khi được Ban Bí thư điều động lên làm việc tại Yên Bái, ý thức rằng mình được tin tưởng giao trọng trách, một mặt tôi cảm thấy vinh dự, tự hào, mặt khác cũng thấy được trách nhiệm rất nặng nề khi đến một địa bàn mới, vị trí công tác mới, nhất là khi tôi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở.

Chính vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ, tôi rất nỗ lực học hỏi kinh nghiệm các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, những người đi trước, kể cả cán bộ cấp cơ sở và bà con nông dân để sớm có được đầy đủ thông tin về địa phương, về cơ sở, những thuận lợi, khó khăn, đồng thời cũng xác định được thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trình độ dân trí để từ đó vạch ra các chương trình, kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn.

Cảm xúc của tôi lúc đấy tựu trung là rất là vinh dự, tự hào nhưng cũng có những băn khoăn lo lắng nhất định, liệu rằng mình có sớm tiếp cận công việc không, có sớm hoàn thành và hoàn thành tốt công việc không...

Còn hôm nay, khi được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành và được Ban Chấp hành bầu là Bí thư thì đầu tiên, tôi cũng cảm thấy rất vinh dự, tự hào, nhưng cũng nhận thức được trọng trách rất lớn lao. Nhất là trên cương vị người đứng đầu của Đảng bộ tỉnh, mọi vấn đề, quyết định của mình sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng của một địa phương có truyền thống lịch sử cách mạng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân như Yên Bái.

Sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đại hội và vào Ban Chấp hành khoá XIX này càng làm tôi thấy được trách nhiệm lớn lao. Mục tiêu phấn đấu đặt ra của Yên Bái cao nên đây cũng là áp lực rất lớn.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy tự tin, bản thân tôi thấy tự tin vì chúng tôi đã hiểu rất rõ Yên Bái đang ở đâu trong khu vực, đang ở đâu trên bình diện quốc gia, Yên Bái có tiềm năng thế mạnh gì, có khó khăn thách thức gì.

Và vấn đề nữa là Đại hội cũng đã xác định được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, phù hợp để vượt qua những khó khăn thách thức đó, khai thác tiềm năng, lợi thế để đưa tỉnh Yên Bái phát triển đi lên. Thế nên sự tự tin là lớn hơn so với trước đấy.

- Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá rất cao việc Yên Bái đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội và gọi đây là “nét đặc sắc của Yên Bái”. Yên Bái sẽ làm gì để hiện thực hoá mục tiêu trong Nghị quyết, để người dân thực sự hài lòng và hạnh phúc, thưa ông?

Chỉ số hạnh phúc được đo lường dựa trên 3 chỉ số chính là sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình, số năm sống khoẻ của người dân.

3 chỉ số chính được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu cụ thể nằm trong bộ 3 tiêu chí đó. Tất cả những chỉ số, chỉ tiêu trong 19 chỉ tiêu chủ yếu đều bổ trợ cho việc nâng cao các chỉ số thành phần để quyết định chỉ số hạnh phúc.

Việc thực hiện được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và cả nhiệm kỳ cũng chính là góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Hiện nay, Yên Bái đặt mục tiêu chỉ số hạnh phúc tăng khoảng 15% trong 5 năm. Hàng năm chúng tôi sẽ có đo lường, có khảo sát, đánh giá. Trên cơ sở đó, chúng tôi có thể điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để thiết thực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Chúng ta không nên đặt vấn đề quá phức tạp, vì từ các chỉ tiêu thực tế qua khảo sát, người dân thấy dịch vụ hành chính công được cung cấp nhanh chóng, thuận lợi. Hiện nay chúng tôi triển khai mô hình trung tâm hành chính công 3 cấp và rất vui mừng là trên 99% số người dân sau khi hưởng dịch vụ đều đánh giá hài lòng và rất hài lòng.

Như vậy, chính quyền làm thế nào để người dân cảm thấy hài lòng với mức thu nhập, hài lòng với các quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, hài lòng trong quan hệ với chính quyền thông qua dịch vụ công và dịch vụ thiết yếu thì người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Để định lượng, hằng năm chúng tôi sẽ cung cấp bộ chỉ tiêu, tổ chức khảo sát. Cơ quan chủ trì hiện nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để khảo sát.

Đây là vấn đề mới, cho tới thời điểm này, Yên Bái là địa phương đầu tiên thực hiện. Chúng ta chưa có bộ chỉ tiêu quốc gia, vì vậy chúng tôi xác định quan điểm vừa làm vừa hoàn thiện, kể cả phương pháp đo lường, bộ chỉ tiêu đánh giá.

- Với vai trò tân Bí thư Tỉnh uỷ, ông sẽ bắt tay vào những nhiệm vụ cụ thể gì đầu tiên?

Chúng tôi sẽ hoàn thiện để ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 ngay trong tháng 10 này. Tỉnh uỷ cũng ban hành chương trình, hoạt động toàn khoá, ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường vụ Tỉnh uỷ để triển khai ngay việc thực hiện nghị quyết.     

Chúng tôi cũng phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của các Uỷ viên Ban Chấp hành, Thường vụ Tỉnh uỷ để bắt tay đi vào công việc. Chúng tôi xác định rõ việc gì phải làm trong toàn khoá, ai là người làm, ai chịu trách nhiệm chính.

Thứ hai, để lãnh đạo thực hiện 3 khâu đột phá, 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 19 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực, chúng tôi phải ban hành một bộ nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ để lãnh đạo thực hiện nghị quyết trên các lĩnh vực như xây dựng Đảng, quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Ví dụ như nghị quyết chuyên đề cơ cấu lại nông nghiệp gắn với nông thôn mới, về cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển du lịch…      

Dự kiến trong quý IV/2020, chúng tôi sẽ cơ bản ban hành các nghị quyết quan trọng để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và bảo đảm quốc phòng - an ninh cho toàn nhiệm kỳ.

Đó là trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo HĐND, UBND rà soát, ban hành đầy đủ bộ cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ.

Từ nghị quyết lãnh đạo đến nghị quyết chuyên đề lãnh đạo của Tỉnh uỷ sẽ được thể chế hoá bằng nghị quyết, đề án, chính sách của HĐND và UBND tỉnh. Bước vào quý I năm 2021, các vấn đề cơ bản, căn cốt của 5 năm tới được thể chế hoá và đưa nghị quyết vào cuộc sống.

- Là cán bộ được Trung ương điều động về lãnh đạo chính quyền địa phương, nay được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, ông đánh giá thế nào về chủ trương luân chuyển cán bộ của Trung ương? 

Tôi cho rằng chủ trương luân chuyển cán bộ giữa Trung ương và địa phương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Cán bộ từ Trung ương về có thuận lợi là tư duy bao quát về quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô,  có nhiều phương pháp tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái: Chỉ số hạnh phúc đo bằng sự hài lòng của người dân - 2

do-duc-duy-2.jpg

Các chương trình hành động của chúng tôi đều ghi rõ Bí thư Tỉnh uỷ làm việc gì, bao giờ xong; Chủ tịch làm việc gì, bao giờ xong.

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Một điểm rất tốt nữa của việc đưa cán bộ trung ương về địa phương là sự sâu sát, gắn bó, lăn lộn với cở sở sẽ giúp tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản ý nhà nước, cũng như tổng kết thực tiễn để nâng tầm lên thành lý luận trong xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển một địa phương, một khu vực.

Và chúng tôi, những cán bộ được luân chuyển từ Trung ương về địa phương, vẫn trao đổi với nhau rằng thời gian để trưởng thành sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc chỉ làm ở một vị trí hoặc ở một bộ ngành trung ương.

Đấy là thuận lợi để đào tạo cán bộ, không chỉ về kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo mà còn cả về bản lĩnh chính trị, khả năng giải quyết vấn đề, khó khăn, thách thức đặt ra trong thực tiễn. Những cán bộ luân chuyển như thế được đào tạo và trưởng thành hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn, đó là cán bộ từ trung ương về địa phương phải có thời gian tìm hiểu, đi sâu, đi sát cơ sở để nắm vững những thuận lợi, khó khăn và những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra đối với địa phương, đơn vị, từ đó mới xác định được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết cụ thể.

Cho nên cán bộ từ trung ương về cần có thời gian để nghiên cứu, đi sâu đi sát… Điều này đòi hỏi những cán bộ luân chuyển như chúng tôi phải hết sức nỗ lực, làm việc quên ngày quên giờ, không có ngày nghỉ. 

- Với cá nhân ông, ông đã nỗ lực ra sao?

Bản thân tôi, ngày bình thường có thể điều hành công việc ở cơ quan, còn lại sẽ đi theo chương trình. Những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ, tôi dành thời gian để đi cơ sở, đi nắm bắt tình hình, như thế mới có thể hiểu biết được.

Với những vấn đề của Yên Bái, chúng tôi lăn lộn với thực tế và hiện nay chúng tôi thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, giao nhiệm vụ từ Bí thư Tỉnh uỷ trở xuống.

Trong các chương trình hành động của chúng tôi đều ghi rõ Bí thư Tỉnh uỷ làm việc gì, bao giờ xong? Chủ tịch làm việc gì, bao giờ xong?

Và như vậy, chúng tôi có thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Điều này đòi hỏi cán bộ phải hết sức nỗ lực, phải gắn bó với cở sở, phải lăn lộn vào công việc thì mới hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Còn nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ phải kiểm điểm trước cấp uỷ, trước chính quyền.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn