Sữa nào tăng giá mạnh nhất?

Kinh tếThứ Bảy, 27/04/2013 11:47:00 +07:00

(VTC News) - Giá sữa tăng 30 lần trong 6 năm qua nhưng không phải sản phẩm sữa nào cũng vậy.

(VTC News) - Giá sữa tăng 30 lần trong 6 năm qua nhưng không phải sản phẩm sữa nào cũng vậy

Tại buổi toạ đàm trực tuyến "Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng", nhiều vấn đề liên quan đến quản lý giá, chất lượng các mặt hàng sữa trên thị trường, đặc biệt là sữa bột trẻ em đã được các nhà quản lý đưa ra “mổ xẻ”.

Không phải giá sữa nào cũng tăng cao

Quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Nhà nước là một kẽ hở để những nhà sản xuất và phân phối sữa lách luật. Và là một trong nguyên nhân khiến giá sữa tăng cao như thời gian vừa qua.

Trả lời về vấ đề này, ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lí giá, Bộ Tài chính, từ 1/1/2013, khi Luật Giá có hiệu lực, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi cũng là mặt hàng bình ổn giá, nhưng bản chất có khác là việc đăng ký giá của doanh nghiệp chỉ là một trong nhiều biện pháp để bình ổn giá khi giá sữa tăng cao bất hợp lý, khi cần thiết thì mới làm. Tức là có sự khác nhau giữa đăng ký giá thời điểm trước và sau khi có Luật Giá.

Sữa bột trẻ em tăng giá mạnh
Sữa bột trẻ em tăng giá mạnh nhất. Ảnh: internet 
Còn theo ông Hà Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội, việc nhiều phương tiệc truyền thông nêu giá sữa tăng 30 lần trong 6 năm qua nhưng không phải sản phẩm sữa nào cũng vậy. Chủ yếu là sữa bột. Sữa nước chỉ tăng 185% trong cùng thời gian.

“Như vậy điều chúng ta đáng quan tâm là sản phẩm sữa bột. Theo tôi không có kẽ hở trong quy định pháp luật, có chăng chỉ là trong thi hành của người quản lý hoặc doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Một nguyên nhân khác đẩy giá sữa lên cao là việc nhiều sản phẩm sữa “đội lốt” sản phẩm dinh dưỡng và khi đó sẽ không bắt buộc phải đăng ký khi tăng giá.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lí giá, Bộ Tài chính cho rằng, trên thị trường không phải tất cả doanh nghiệp đều xấu cả, nhưng trên thị trường có thể có trường hợp lợi dụng nọ kia.

“Tôi cho rằng, trong chuỗi quản lý sản phẩm chúng ta phải làm tốt các khâu. Ví dụ, 1 sản phẩm nhập khẩu, khi nhập vào, nó là cái gì, nhập vào theo phân loại hàng hóa nào… Khi sản phẩm này đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cố tình thay tên đổi nhãn thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý. Vấn đề là quản lý tốt từng khâu, giá cũng là một khâu để quản lý”, ông Vũ Anh nhấn mạnh.

Quảng cáo ít chưa chắc giá sữa sẽ giảm!

Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm tại buổi tọa đàm là theo Luật Quảng cáo, từ 1/1/2013, các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ bị cấm quảng cáo. Và như thế sẽ giảm phần chi phí dành cho quảng cáo, dẫn đến sẽ giảm giá sữa.

Ông Lê Hoàng cho biết, việc cấm quảng cáo các mặt hàng sữa sẽ giúp giảm tác động tiêu cực khi nhiều bà mẹ giảm nuôi con bằng sữa mẹ. “Nhưng việc hạn chế quảng cáo có giảm giá sữa hay không thì chúng tôi cũng chưa chắc chắn”, ông Hoàng nói.

Còn ông Hà Văn Tuấn thì cho rằng, giá sữa bao gồm trong đó chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo, nên giảm chi phí quảng cáo có thể giảm một phần chi phí giá sữa.

Số tiền chi phí quảng cáo của các hãng sữa lớn mỗi năm có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, tuy nhiên, việc có những chính sách cấm quảng cáo sữa cũng cần xem xét, vì một trong các quyền của người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nếu cấm thì sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, vì vậy việc dùng biện pháp hành chính để cấm, hạn chế quảng cáo thì cần phải xem xét.

Liên quan đến thông tin nhiều bác sĩ đã “bắt tay” quảng cáo với các công ty sữa hoặc thực phẩm chức năng, dinh dưỡng bằng cách viết bài cũng như dự hội thảo.

Ông Lê Hoàng thừa nhận: “Đúng là có hiện tượng bác sĩ tham gia quảng cáo sữa và thực phẩm chức năng. Bản thân tôi chưa bao giờ tham dự những buổi như vậy, nên chưa rõ nội dung là như thế nào”.

Còn về phía Bộ Y tế, Bộ đã ban hành Thông tư 08/2013 hướng dẫn quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, có hiệu lực từ 26/4/2013.

Trong Thông tư 08 đã quy định rất cụ thể việc tổ chức hội thảo, hội nghị để giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó là quy định cụ thể việc đăng ký, xác nhận việc tổ chức hội thảo, hội nghị đó; và trong thông tư cũng quy định rõ về báo cáo viên như ai được quyền báo cáo, điều kiện như thế nào mới được làm báo cáo viên...

Quan trọng nhất là phải đăng ký nội dung tài liệu để giới thiệu sản phẩm tại hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp. Đây chính là quy định để quản lý và xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề giới thiệu sản phẩm tại hội thảo, hội nghị của doanh nghiệp.

Chất lượng sữa khó kiểm soát do tâm lý “sính ngoại”


Liên quan đến việc ngày càng có nhiều có các loại sữa nhập lậu, sữa kém chất lượng, sữa quá hạn được bày bán tràn lan tại các cửa hàng sữa với số lượng lớn mà chưa qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lí thị trường Bộ Công Thương cho rằng lỗi một phần là do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng.

Ông Lam cho biết, sở dĩ các mặt hàng này tồn tại trên thị trường là do mấy nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh buôn bán kiếm lời những mặt hàng như thế này.

“Người bán cũng có những phương thức thủ đoạn rất tinh vi. Người ta không bày bán công khai mà khi đến mua mới đưa ra. Thứ hai hóa đơn chứng từ được họ hợp thức hóa bằng những chứng từ khác nên khó kiểm tra. Do vậy, có mặt làm được, có mặt chưa làm được, nên các lực lượng chức năng phải có phương pháp hữu hiệu, cần tiếp tục để làm tốt vấn đề này cả trước mắt và lâu dài”, ông Lam cho biết.

Vấn đề thứ hai là do tâm lý sính ngoại. Thực tế thì các nước phát triển, họ có tiêu chuẩn, công nghệ và cách quản lý sữa nên chất lượng sữa của họ tốt, chúng ta phải thừa nhận, nên nhiều bà mẹ chuộng sữa ngoại cũng là điều bình thường.

Ngoài ra, theo ông Lam, mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm, xử phạt 400 tỷ đồng, trong đó số lượng lớn là bia, rượu, thuốc lá, quần áo… Mặc dù vậy, so với kỳ vọng của người dân còn chưa cao.

“Có nhiều nguyên nhân như thiếu nhân lực, trang thiết bị, ngoài ra, trong quá trình sản xuất kinh doanh, có những doanh nghiệp không từ phương thức, thủ đoạn nào để thu lợi bất chính; chính sách quản lý còn những bất cập”, ông Lam cho biết.

Để tránh mua phải sữa kém chất lượng, ông Lam cho rằng, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý.

Châu Anh


Bình luận
vtcnews.vn