Sự trở lại của những loài động vật sau hàng chục năm 'tuyệt chủng'

Khám pháThứ Bảy, 13/02/2021 07:03:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều loài động vật tưởng như tuyệt chủng được các nhà khoa học tìm thấy trong năm 2020.

Trong số các những loài động vật bất ngờ "sống dậy từ cõi chết" có các loài lưỡng cư, bò sát, thậm chí cả động vật có vú.

Một số động vật được tìm thấy không phải ở những vùng xa xôi khó tiếp cận mà tại những khu vực sinh sống của con người.

Phát hiện bất ngờ trong khách sạn

Năm 1913, loài tắc kè hoa Voeltzkow (Furcifer voeltzkowi) chính thức bị tuyên bố tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên. Nó không bao giờ còn được nhìn thấy ở quê hương Madagascar trong hơn một thế kỷ.

Mọi nỗ lực tìm ra loài bò sát này đều thất bại. Một số chuyên gia tin rằng, Voeltzkow không tồn tại và thường bị nhầm với một loài tắc kè hoa khác - Furcifer labordi.

Sự trở lại của những loài động vật sau hàng chục năm 'tuyệt chủng' - 1

Một con Voeltzkow cái. (Ảnh: Frank Glaw)

Để làm sáng tỏ vấn đề này, các nhà nghiên cứu tới từ Munich (Đức) đã thực hiện chuyến thám hiểm tới Madagascar. Tại đây, nhà khoa học Oscar Boettger lần đầu tiên nhìn thấy một con Voeltzkow trong khu vườn của một khách sạn nơi các thành viên đoàn thám hiểm đang ở. 

Từ đó, các nhà khoa học quan sát thêm ba con đực và mười lăm con cái Furcifer voeltzkowi. Những con cái được nhìn thấy nhỏ hơn con đực và thay đổi màu sắc thường xuyên hơn. Phân tích di truyền các mẫu lấy từ ba con tắc kè hoa cho thấy, mặc dù chúng có quan hệ họ hàng gần với Furcifer labordi, nhưng đây là hai loài khác nhau.

Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng những con tắc kè hoa mới sinh sống ở khu vực Mahadzanga trên vùng lãnh thổ chạy dài hơn một trăm km dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể ước tính quy mô của quần thể này. 

Những con tắc kè hoa Voeltzkow thường chỉ sống được dưới một năm. Theo các nhà khoa học, chúng sinh con vào tháng 10-11, con non lớn lên rất nhanh, sinh sản và đến đầu tháng 5 chúng chết sau khi đẻ trứng.

Điều này giải thích tại sao các nhà khoa học không thể tìm thấy loài tắc kè hoa quý hiếm này trong hơn một trăm năm. Vào tháng 10, Madagascar bắt đầu mùa mưa phủ kín các tuyến đường dẫn đến môi trường sống của chúng. Còn vào mùa khô, khi người ta có thể đến Mahajangi, tất cả những con tắc kè hoa Voeltzkow đều đã chết.

Chuột chù voi Somali

Loài chuột chù voi Somali (Elephantulus revoilii) biến mất gần nửa thế kỷ qua. Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (GWC) thậm chí đưa chuột chù voi Somali vào danh sách 25 loài mất tích được tìm kiếm nhiều nhất. 

Sự trở lại của những loài động vật sau hàng chục năm 'tuyệt chủng' - 2

Một con chuột chù voi Somali. (Ảnh: Sputnik)

Tất cả những gì được biết từ trước tới nay về Elephantulus revoilii đến từ 39 mẫu vật riêng lẻ được thu thập cách đây hàng thập kỷ và hiện được lưu trữ trong các bảo tàng.

Lần cuối, một con chuột chù voi rơi vào tay các nhà động vật học vào năm 1973. Sau đó, các nhà nghiên cứu không còn tìm thấy được chúng.

Năm 2019, một nhóm các nhà khoa học do nhà động vật học, người Mỹ, Steven Heritage đứng đầu đến châu Phi để tìm kiếm loài này. Họ không dám vào Somalia - nơi đang diễn ra nội chiến và thử vận ​​may trên lãnh thổ của nước láng giềng Djibouti. Điều kiện tự nhiên ở đất nước này tương tự như ở Somalia. 

Nhóm nghiên cứu đã đặt hơn một nghìn cái bẫy ở những vị trí có thể bắt gặp chuột chù voi. May mắn, năm con đực và ba con cái Elephantulus revoilii đã sập bẫy. 

Điểm khiến các nhà khoa học kinh ngạc là chuột chù voi Somali không những không bị tuyệt chủng mà có quần thể rất đông.

Ếch nước trên sa mạc

Các nhà động vật học Chile cũng gặp may trong năm nay. Vào mùa xuân năm 2020, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Công giáo Temuco đến sa mạc Atacama với hy vọng tìm thấy loài ếch nước Hall nhỏ bé (Telmatobius halli). Loài ếch này được nhìn thấy lần cuối vào năm 1935.

Sự trở lại của những loài động vật sau hàng chục năm 'tuyệt chủng' - 3

Ếch nước Hall nhỏ bé. (Ảnh: Sputnik) 

Nhờ đó, họ phát hiện một số con Telmatobius halli trưởng thành và nòng nọc của nó tại một suối nước nóng nhỏ trên sa mạc Atacama. 

Telmatobius halli là loài sống dưới nước với kích thước nhỏ bé. Chúng sẽ chết chỉ trong 5 phút rời khỏi mặt nước. Do đó việc bảo vệ môi trường sống của nó là hết sức cần thiết trước khi quá muộn.

Chó biết hát

Một giống chó "biết hát" cực kỳ quý hiếm tưởng như đã tuyệt chủng bất ngờ được phát hiện trong môi trường sống tự nhiên sau 50 năm. Những chú chó "biết hát" ở New Guinea được biết đến với những tiếng hú, sủa độc đáo. Răng nanh của chúng có thể tạo ra âm thành hài hòa, được so sánh với tiếng kêu của cá voi lưng gù.

Mặc dù khoảng 200 con chó thuộc giống này đang sống trong các trung tâm bảo tồn hoặc vườn thú, không ai quan sát thấy chúng ngoài tự nhiên trong 50 năm qua. 

Sự trở lại của những loài động vật sau hàng chục năm 'tuyệt chủng' - 4

Hình ảnh về con chó hoang ở Papua, Indonesia. (Ảnh: CNN)

Nhưng tới năm 2016, đoàn thám hiểm của James McIntyre - Chủ tịch Tổ chức Chó hoang Cao nguyên New Guinea đã phát hiện và chụp được 149 bức ảnh của 15 con chó hoang ở vùng cao nguyên Papua, phía tây Indonesia.

Điều thú vị là giống chó này có "giọng hát" tương tự như loài chó biết hát ở New Guinea. 

2 năm sau, ông McIntyre trở lại khu vực này lấy mẫu máu của những con chó sống ở đây để so sánh với những quần thể chó nuôi nhốt. 

Kết quả trả ra cho thấy trình tự bộ gen của chúng tương tự nhau mặc dù có những khác biệt về thể chất do quá trình lai cùng dòng. 

"Chúng tôi phát hiện ra rằng loài chó biết hát New Guinea và Chó hoang cao nguyên có trình tự bộ gen rất giống nhau. Điều này khiến chúng có mối quan hệ họ hàng gần gũi hơn nhiều so với các giống chó hiện đại như chó chăn cừu Đức hay Chó săn Bassett", nhà khoa học Heidi Parker tới từ Viện Sức khỏe Quốc gia New Guinea cho hay. 

Theo nghiên cứu, cả giống chó hoang cao nguyên và chó biết hát New Guinea đều sở hữu các biến thể gen không thấy ở các loài chó khác ngày nay. 

Diệu Hoa(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn