Sự nghiệp đầy thăng trầm của bà Aung San Suu Kyi trước cuộc đảo chính ở Myanmar

Tư liệuThứ Hai, 01/02/2021 12:35:00 +07:00
(VTC News) -

Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng quốc tế vì sự kiên cường trong cuộc đấu tranh vì dân chủ, nhưng nay bà đối mặt với khủng hoảng mới tại Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar, sinh ngày 19/6/1945, tại Rangoon, Myanmar. Bà là con gái của tướng Aung San - người thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông bị ám sát vài tháng trước khi Myanmar tuyên bố độc lập hồi tháng 7/1947. 

Năm 1960, bà tới Ấn Độ cùng mẹ. Bốn năm sau đó, bà theo học tại Đại học Oxford (Anh). Trong thời gian này, bà gặp người chồng tương lai của mình là Michael Aris - một học giả người Anh. 

Họ nhanh chóng kết hôn và có với nhau hai người con trai. Bà Aung San Suu Kyi sống một cuộc sống êm ả cùng gia đình tại Anh cho tới khi hay tin mẹ mình bị đột quỵ 

Sự nghiệp đầy thăng trầm của bà Aung San Suu Kyi trước cuộc đảo chính ở Myanmar - 1

Bà Aung San Suu Kyi. (Ảnh: Reuters)

Năm 1988, bà trở về Yangon để chăm sóc mẹ. Đây là thời điểm Myanmar diễn ra chính biến. Hàng nghìn người đổ xuống đường biểu tình đòi cải cách dân chủ. 

Bà Suu Kyi trở thành người dẫn đầu phong trào chống tướng Ne Win - người trở thành lãnh đạo Myanmar sau đó. Cũng trong thời gian này, bà sáng lập Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). 

Tuy nhiên, quân đội nhanh chóng đàn áp các cuộc biểu tình vào tiến hành đảo chính vào ngày 18/9/1988.

Về phần mình, bà Suu Kyi vẫn tiếp tục phát động phong trào kêu gọi tự do và dân chủ. Tới tháng 12/1989, bà bị quản thúc tại gia trong ngôi nhà cũ của mẹ bà ở số 54 đại lộ University, Rangoon. Bà dành phần lớn thời gian đọc sách và luyện thiền. Bà được trao giải Sakharov năm 1990 và Giải Nobel hòa bình năm 1991.

Chủ tịch ủy ban trao giải gọi bà là "một ví dụ nổi bật về sức mạnh của những người không có quyền hành". Bà Suu Kyi dùng số tiền thưởng 1,3 triệu USD của giải Nobel để lập một quỹ y tế và giáo dục cho người dân Myanmar.

Năm 1995, bà được trả tự do nhưng vẫn bị hạn chế đi lại. 

Tới năm 2000, bà tiếp tục bị giam giữ tại gia sau nhiều lần rời Rangoon để dự các cuộc họp chính trị.

Năm 2002, bà được thả vô điều kiện nhưng chỉ hơn một năm sau lại phải ngồi tù vì vụ đụng độ giữa những người ủng hộ bà và một đám đông do chính phủ hậu thuẫn.

Tháng 11/2010 chấm dứt giai đoạn bị quản thúc của bà Suu Kyi. Trong khoảng thời gian từ năm 1989 tới 2010, bà bị giam lỏng gần 15 năm.

Hai năm sau khi được phóng thích, bà trở thành thành viên Hạ viện Myanmar trong cuộc bầu cử. Tại cuộc bầu cử này, bà và đảng NLD giành 43 trong số 45 ghế. Không lâu sau đó, bà tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội do quân đội hậu thuẫn.

Những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi này khiến bà Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng quốc tế vì sự kiên cường trong cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Myanmar.

Tới năm 2015, đảng NLD của bà Suu Kyi lên nắm quyền sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, chính phủ khi đó không nắm trọn vẹn quyền lực mà chia sẻ cùng với quân đội. Mặc dù vậy, đây vẫn được xem là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của Myanmar. 

Tháng 4/2016, Tổng thống Myanmar ký sắc lệnh ban hành luật trao cho bà Aung San Suu Kyi chức cố vấn nhà nước. Vị trí này giúp bà San Suu Kyi củng cố ảnh hưởng với cả nhánh hành pháp và lập pháp của Myanmar. Đảm nhận chức "cố vấn nhà nước" cùng việc nắm giữ bốn vị trí cấp bộ trưởng, bà Aung San được cho là có quyền lực như thủ tướng.

Sau khi được thành lập, chính phủ mới của Myanmar ban đầu được ca ngợi như một biểu tượng dân chủ và được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cải cách. Tuy nhiên, những năm gần đây, bà Suu Kyi và các đồng minh bị chỉ trích vì chính sách phân biệt đối với người Rohingya.

Về mặt kinh tế, sau khi lên nắm quyền, chính quyền của bà Suu Kyi ban đầu tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang sắc tộc và không coi cải cách kinh tế là ưu tiên. Tuy nhiên, từ năm 2018, chính phủ do NLD lãnh đạo có dấu hiệu tăng tốc cải cách kinh tế, thúc đẩy tự do hóa thị trường bảo hiểm, cấp phép cho ngân hàng nước ngoài và xây dựng bộ luật doanh nghiệp mới.

Cùng với đó, giới chức Myanmar cũng có nhiều động thái tích cực để chào đón các nhà đầu tư quốc tế, định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước chấp nhận xu thế cạnh tranh tự do trên thị trường, đem lại sức sống mới cho nền kinh tế và tạo động lực phát triển cho Myanmar.

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp trong và ngoài Myanmar bắt đầu tỏ ra bất mãn với hàng loạt các chính sách kinh tế gây tranh cãi mà chính phủ nước này ban hành. 

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn