Sớm đưa TP.HCM thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon với tầm nhìn toàn cầu

Đầu TưThứ Sáu, 15/09/2023 16:26:00 +07:00
(VTC News) -

TP.HCM sẽ nghiên cứu thêm các chính sách đồng hành cùng quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh và sẽ triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

Trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực 

Tại diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2023 với chủ đề Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề xuất 4 định hướng trọng tâm đóng góp vào kế hoạch, quy hoạch chuyển đổi xanh của TP.HCM.

Thứ nhất, TP.HCM cần xây dựng tầm nhìn trở thành trung tâm dịch vụ, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế xanh.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. 

Thứ hai, với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành “cực thu hút” các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng hiện nay.

Trung tâm tài chính của TP.HCM phải là trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm.

"Thành phố cần sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với một số công cụ tài chính mới như: phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu", ông Nguyễn Minh Vũ đề xuất.

Thứ ba, cần có cơ chế đột phá để thu hút nhân tài, các nhà khoa học, nhà sáng chế khu vực và quốc tế, phát triển các trung tâm nghiên cứu, phát minh để TP.HCM trở thành điểm hội tụ tri thức, đầu nguồn phát kiến những ý tưởng mới, làm chủ các phát minh đột phá trong các lĩnh vực xanh trọng yếu.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI chất lượng cao ở khu vực ngày càng quyết liệt, thành phố cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, các chính sách ưu đãi mới để tham gia sâu vào các chuỗi đầu tư xanh, nhằm hấp thụ công nghệ, tri thức mới và nâng cao kỹ năng người lao động.

Cuối cùng, cần đầu tư nguồn lực để xây dựng và quảng bá thương hiệu TP.HCM ở tầm quốc tế, là một siêu đô thị xanh, thông minh, bền vững; điểm đến đầu tư lý tưởng của các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn.

TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xanh.

TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xanh.

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, đây chính là biện pháp chiến lược nhằm thu hút được nguồn lực đầu tư dài hạn, thúc đẩy thương mại, du lịch bền vững, đóng góp tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, thành phố cần phát huy tối đa lợi thế về khung thể chế đã khá hoàn thiện để cụ thể hoá thành các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện đặc thù ở địa bàn, trong đó cần lưu ý tính kết nối vùng, bảo đảm tính đồng bộ với các quy định, tiêu chuẩn mới trên thế giới để bắt kịp và tận dụng được các xu hướng của thời đại.

Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xanh

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, với vị trí trung tâm kinh tế lớn và năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đã triển khai các bước đi đầu trong phát triển mô hình này với Nghị quyết số 98. 

Xét về các yếu tố cho sự phát triển của kinh tế xanh, TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước cũng như nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Để triển khai hiệu quả mục tiêu giảm phát thải ròng về không, TP.HCM cần tập trung vào một số nội dung cụ thể. Về phía doanh nghiệp, cần tham gia tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, tận dụng được các nguồn vốn mới nổi, các dòng tài chính xanh…

TP.HCM cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân về lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên… 

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ sớm hoàn thành Khung chiến lược phát triển xanh của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 ngay trong năm 2023.

TP.HCM sẽ khẩn trương xây dựng Khung hành động với lộ trình cụ thể đối với mọi người gồm người dân, chính quyền, doanh nghiệp, sẽ áp dụng mô hình thí điểm (sandbox).

Đồng thời cũng sẽ đề xuất ban hành các quy chuẩn dựa trên các quy chuẩn, thông lệ quốc tế để có những khung chi phối từ sản xuất đến tiêu các yếu tố hỗ trợ phát triển xanh, dự kiến ban hành cuối năm nay để có thể thực thi từ đầu năm 2024.

Hoàng Thọ - Đại Việt
Bình luận
vtcnews.vn