Sau Mỹ, đến lượt Ấn Độ bị Trung Quốc yêu cầu ‘sửa chữa sai lầm’

Thời sự quốc tếThứ Năm, 03/09/2020 16:06:02 +07:00
(VTC News) -

Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ “sửa chữa sai lầm” vì đã cấm 118 ứng dụng, sau khi đã yêu cầu Mỹ sửa sai vì hạn chế quan chức ngoại giao của họ.

Hôm 3/9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích động thái gần đây của chính phủ Ấn Độ về việc cấm nhiều ứng dụng di động của nước này, cho rằng những hành động này vi phạm lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ.

Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong yêu cầu Ấn Độ "sửa chữa những sai lầm của mình".

Bình luận của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bộ Thông tin và Công nghệ Ấn Độ hôm 2/9 công bố lệnh cấm đối với 118 ứng dụng di động của Trung Quốc, trong đó có cả những ứng dụng do 2 gã khổng lồ internet Tencent và Alibaba vận hành.

Sau Mỹ, đến lượt Ấn Độ bị Trung Quốc yêu cầu ‘sửa chữa sai lầm’ - 1

Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong. (Ảnh: Reuters)

Các ứng dụng bị chính quyền Ấn Độ cấm bao gồm trò chơi di động nổi tiếng PUBG, dịch vụ lưu trữ đám mây Weiyun và nền tảng WeChat Work. Tất cả những ứng dụng này đều do Tencent vận hành. Ngoài ra, dịch vụ thanh toán kỹ thuật số Alipay của Alibaba cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.

Đến nay, ứng dụng thay thế cho TikTok của Trung Quốc được phát triển tại Ấn Độ, có tên gọi 'Chingari' đã đạt 5 triệu lượt tải.

Làn sóng cấm ứng dụng Trung Quốc được Ấn Độ đưa ra đầu tiên vào hôm 29/6, khi chính quyền nước này quyết định chặn 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có cả nền tảng chia sẻ video TikTok. Một tháng sau, New Delhi ban hành lệnh cấm thêm 47 ứng dụng do Bắc Kinh phát triển, trong đó có Baidu Search và Weibo.

Với việc New Delhi vừa ban hành lệnh cấm thêm 118 ứng dụng di động từ Bắc Kinh với lý do an ninh quốc gia, đến nay đã có tổng cộng 233 ứng dụng từ Trung Quốc bị cấm ở Ấn Độ.

Lệnh cấm mới nhất được đưa ra sau một cuộc xung đột vào cuối tuần trước ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước đã đụng độ vào tháng 6 vừa qua tại thung lũng Galwan, ở vùng Ladakh, khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không công bố con số thương vong.

Trong một diễn biến khác, ngày 3/9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố phản đối các hạn chế Washington áp đặt lên các nhà ngoại giao của nước này, cho rằng điều này là không công bằng và đề nghị Washington sớm hủy bỏ quyết định sai lầm này.

Kông Anh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn